Lục Khu đau đáu chờ mưa - Bài cuối

Sống giữa vùng đất khó khăn, quanh năm phải đối mặt với khô hạn, chính quyền và người dân ở Hà Quảng đã có nhiều đối sách đưa cây trồng phù hợp với thời tiết và khí hậu vào gieo trồng, để từng bước giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.

CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG

Xã đặc biệt khó khăn Kéo Yên có 5 xóm, trong đó xóm Phía Đó và Rằng Rụng gặp khó khăn cả về nước sinh hoạt và sản xuất. Trong khi đó, ruộng nương ở đây lại đá chen đất, việc cày bừa hoàn toàn dựa vào sức của trâu, bò, máy móc nông cụ không sử dụng được. Nhận thấy tình hình hạn hán có thể kéo dài, đồng bào chủ động chuyển đổi các diện tích trồng ngô khó khăn về nước, sang trồng cây gừng trâu.

Kiểm tra sự sinh trưởng của cây gừng trâu.

Bên thửa ruộng nằm dưới triền núi đá, anh Hoàng Văn Sơn, ở xóm Rằng Rụng, cho biết: “Nửa tháng trước, tôi đã phải dòng dây bơm nước từ một mó nước cách đây hơn 1 km về tưới cho đất để trồng gừng trâu. Tôi đã mua 2 tạ giống, với giá 7.000 đồng/kg, về trồng trên diện tích 400 m2 này”. Đây là diện tích đất năm ngoái gia đình anh trồng ngô, nhưng năm nay chưa có mưa, anh Sơn chuyển đổi sang trồng gừng trâu thay thế.

Hộ ông Vương Văn Quẩy, đã có thâm niên trồng gừng trâu từ 2 vụ trước, chia sẻ: “Trồng gừng trâu cũng dễ, trồng theo hốc, lúc trồng (đầu năm) dùng phân NPK hoặc phân chuồng bón lót, phủ một lớp rơm hoặc cỏ khô để giữ độ ẩm, chú ý làm cỏ và khi có mưa thì bón thúc mỗi hốc một ít phân đạm. Gừng trâu trồng 9 - 10 tháng thì cho thu hoạch. Cây gừng trâu chịu được hạn, đất và khí hậu ở đây lại rất hợp với nó. Gia đình tôi trồng 1.000 m2 mà được 2 tấn. Vụ năm ngoái gừng được giá, trung bình 15.000 đồng/kg, lúc cao điểm 18.000 - 20.000 đồng/kg, thu 30 triệu đồng/năm từ trồng gừng”.

Nước sinh hoạt phải lấy từ tít trên núi, thì làm gì có nước sản xuất.


Chủ tịch UBND xã Kéo Yên, ông Lý Quốc Nam, cho biết: Vụ xuân này, diện tích trồng gừng trâu của xã khoảng 15 ha. Hai năm vừa qua, ước tính thu nhập từ trồng gừng trâu của cả xã khoảng 300 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.

Theo khảo sát, đánh giá của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng, không chỉ xã Kéo Yên, mà các xã khác thuộc vùng Lục Khu trên của huyện Hà Quảng, đều có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây gừng trâu. Nếu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất có thể đạt tới 20 tấn/ha, với giá 5.000 đồng/kg thì người trồng gừng trâu đã có lãi, cao hơn trồng ngô, đậu tương và có thể lãi ngang bằng với cây thuốc lá.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, ông Nguyễn Sỹ Hành, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm gừng, các công ty bao tiêu sản phẩm sẽ phải ký kết hợp đồng với UBND các xã và từng hộ dân đăng ký tham gia dự án. Các công ty sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản giống, sản phẩm; nếu gừng bị bệnh thì hỗ trợ kỹ thuật phòng chống và 100% thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Đến mùa thu hoạch, tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá trị trường, nếu có biến động về giá cả thì vẫn thu mua với mức giá 5.000 đồng/kg.

“Cây gừng trâu đã được đưa vào nghị quyết của huyện từ khóa trước. Đây là một trong số cây trồng hàng hóa chủ đạo của huyện, phù hợp với điều kiện thiếu nước của vùng Lục Khu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, làm tốt công tác quản lý thu mua, bao tiêu sản phẩm. Nghiên cứu, lồng ghép hợp lý các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu như Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới... để tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển gừng trâu trở thành cây trồng hàng hóa, xóa nghèo”, ông Nguyễn Sỹ Hành khẳng định.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, cây gừng trâu thực sự chen đá mà lên, tạo hướng xóa nghèo bền vững cho nông dân vùng Lục Khu.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Lục Khu đau đáu chờ mưa - Bài 1
Lục Khu đau đáu chờ mưa - Bài 1

So với cùng kỳ các năm trước, năm nay, tình trạng khô hạn ở vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã dài hơn 1 tháng và không biết sẽ còn bao lâu nữa trời mới có mưa. Đã bước sang tháng 2 Âm lịch gần 10 ngày rồi, nhưng đồng bào vẫn chưa thể gieo trồng vụ xuân do không có nước. Để đối phó với khô hạn, lãnh đạo huyện đã có nhiều quyết sách đưa cây trồng chịu hạn, ngắn ngày vào trồng, nhưng cũng vẫn phải chờ nước trời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN