Thị trường chứng khoán (TTCK) đã hồi phục được hơn 2 tháng, trong khi mức tăng giá trung bình của cổ phiếu trên thị trường đạt khoảng 50% thì riêng nhóm cổ phiếu (CP) chứng khoán đã đạt mức tăng giá từ 120 - 150%.
Sàn giao dịch chứng khoán SBS của Sacombank (TP.HCM). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Có thể điểm danh những CP ngành chứng khoán có mức tăng siêu tốc kể từ giữa tháng 2 đến nay như APS, AVS, SHS, SBS, OCS, PHS, TAS, VIG, VND... các CP này có mức giá từ giá 2.000 - 3.000 đồng/CP ngày 15/2, đã lên đạt 5.000 - 6.500 đồng/CP vào ngày 23/3 (phiên kết thúc giao dịch tuần trước).
Điều lạ là các CP có mức tăng giá siêu tốc nêu trên đều là CP của những doanh nghiệp chứng khoán đã từng công bố lỗ nặng trong năm 2011. Ví như Công ty Cổ phần Chứng khoán Sacombank mã cổ phiếu SBS có mức lỗ năm 2011 là 610 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã cổ phiếu SHS) có mức lỗ là 2 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán VnDirect (mã cổ phiếu VND) lỗ 201,8 tỷ đồng, Chứng khoán Phương Đông (mã cổ phiếu OCS) lỗ 34,4 tỷ đồng, Chứng khoán Tràng An (mã cổ phiếu TAS) lỗ 27 tỷ đồng. Thậm chí, kịch bản lỗ của nhiều công ty chứng khoán đã kéo dài qua nhiều quý từ năm 2010 sang năm 2011, Công ty Chứng khoán Sao Việt (mã cổ phiếu SVS) tính đến hết quý IV/2011 đã lỗ tới 6 quý liên tiếp.
Về lý thuyết thì cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt mới tăng giá mạnh và trước tiên. Nhưng trong trường hợp của CP chứng khoán thì khác. Thực tế cho thấy, CP của các công ty chứng khoán (CTCK) có kết quả kinh doanh ổn hoặc vẫn tốt thì lại không đạt mức tăng giá siêu tốc như những cổ phiếu không tốt. Điển hình là 2 cổ phiếu của hai công ty có thị phần số 1 và 2 trên thị trường là SSI của CTCK Sài Gòn chỉ tăng từ 13.500 đồng/CP lên gần 20.000 đồng/CP và cổ phiếu HCM của CTCK TP Hồ Chí Minh tăng từ 14.000 đồng/CP lên 20.200 đồng/CP vào ngày 23/3 vừa qua. Mức tăng của 2 cổ phiếu tốt hàng đầu thị trường này chỉ đạt khoảng hơn 50%.
Giải thích “nghịch lý” tăng giá của nhóm các cổ phiếu lỗ, bà Ngô Diễm Hằng, Phòng đầu tư Công ty Chứng khoán Gold Bridge cho rằng, trước hết là các nhà đầu tư (NĐT) căn cứ vào giá trị giao dịch của thị trường. Nếu như quý I/2012, giá trị giao dịch của sàn HNX và HoSE chỉ 400 tỉ đồng/ngày thì sang quý I năm nay, giá trị giao dịch đạt 3.000 - 4.000 tỉ đồng/phiên, tăng gấp 10 lần năm 2011. Các NĐT kỳ vọng doanh thu tăng đương nhiên lợi nhuận của các công ty chứng khoán cũng tăng.
Hơn nữa, CP chứng khoán tăng giá thời gian qua nằm trong nhóm có giá trị thấp. Vì vậy các NĐT nghĩ rằng CP giá 3.000 đồng tăng giá lên 6.000 đồng/CP dễ hơn là CP giá 30.000 đồng/CP tăng lên 60.000 đồng/CP.
Ông Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán FLC cho rằng, trong trường hợp thị trường duy trì xu hướng tăng bền vững, giá trị giao dịch của thị trường luôn duy trì ở mức 3.000 - 4.000 tỉ đồng/ngày, đích đầu tiên của CP các CTCK sẽ trở về bằng giá niêm yết (10.000 đồng/CP) trong năm 2012. Điều này do 2 yếu tố: một là doanh thu tăng sẽ giúp lợi nhuận của các CTCK tăng; hai là giá chứng khoán tăng, các CTCK sẽ được hoàn nhập dự phòng (từ khoản trích lập dự phòng chứng khoán giảm giá năm 2010 - 2011 ở quỹ tự doanh - quỹ mua, bán CP của các CTCK). Khi đó, CTCK có khoản trích lập dự phòng càng lớn thì lợi nhuận càng tăng do được hoàn nhập nhiều. “Điều này giải thích vì sao CP chứng khoán được các NĐT mua mạnh. Sức cầu với các CP chứng khoán thị giá thấp vẫn đang rất mạnh, điều này sẽ giúp đà tăng giá của CP chứng khoán vẫn tiếp tục trong cả ngắn hạn và dài hạn...”, ông Tuấn nói.
Xuân Hương