Miền núi Thanh Hóa cần trồng nhiều cây ăn quả và gỗ lớn

Ngày 28/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị, và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về kết quả triển khai Nghị quyết và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, Thanh Hóa tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm lợi thế của khu vực miền núi, ưu tiên đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cũng như bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Thanh Hóa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng miền núi và huy động tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt công tác giảm nghèo; giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội; hoàn thành việc bố trí, sắp xếp hệ thống dân cư theo hướng tập trung.

Với những giải pháp trên, tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 ở khu vực miền núi Thanh Hóa phấn đấu đạt 10% trở lên; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2030 đạt từ 50-60%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt 65-70%, tỷ lệ che phủ rừng đạt ,1%...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những kết quả ấn tượng mà Thanh Hóa đã đạt được, dẫn đến đời sống của đồng bào dân tộc tại 11 huyện miền núi của tỉnh thay đổi theo hướng tích cực. Hạ tầng giao thông được đầu tư tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế. Các ngành y tế, giáo dục cũng đạt được những kết quả khả quan.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng Thanh Hóa cần quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, từng huyện nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào. Về chăn nuôi, tỉnh nên khuyến khích đồng bào chăn nuôi đại gia súc để tạo giá trị kinh tế lớn. Tỉnh cần đưa công nghiệp nhẹ như giầy da, may mặc lên 11 huyện miền núi để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Thanh Hóa không được để địa bàn các thôn, bản "trắng" đảng viên. Nếu thôn, bản chưa có đảng viên phải điều động đảng viên từ xã, huyện hoặc các đồn biên phòng về để xây dựng tổ chức đảng. Chính quyền địa phương cũng phải quan tâm, nắm chắc vấn đề tôn giáo, kiềm chế bài trừ tệ nạn xã hội nhất là ma túy, vũ khí, buôn bán người để không bị động, bất ngờ.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa đã nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn miền núi phía Tây của tỉnh. Cũng trong 15 năm, qua tổng nguồn vốn của trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, 11 huyện miền núi được đầu tư gần 7.000 tỉ đồng và 166 triệu USD. Qua đó góp phần đưa tăng trưởng kinh tế khu vực này đạt gần 9%/năm. Riêng quy mô kinh tế của các huyện miền núi năm 2018 đạt 25.927 tỉ đồng (chiếm 16,2% quy mô GRDP của tỉnh). GRDP bình quân đầu người đạt 1.236 USD. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển tương đối toàn diện.

Tổng sản lượng lương thực duy trì ở mức ổn định 3 triệu tấn/năm. Khu vực này cũng đã chuyển đổi được 23.432 ha đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện trên địa bàn 11 huyện miền núi đã có 40 xã, 437 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh và ổn định. Các huyện miền núi có 10 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút được 27 doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. 

Các hoạt động văn hóa-xã hội có chuyển biến tích cực, an sinh được chăm lo, đời sống người dân được cải thiện. Thanh Hóa cũng đã phục dựng được 23 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục ở các huyện miền núi đã được nâng lên, hiện có 7/11 huyện hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2...

Công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo, đã có 16 cán bộ biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy ở 16 xã. Các lực lượng vũ trang cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giữ vững an ninh trật tự, tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa hoạt động buôn bám ma túy, vũ khí. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc được trú trọng.

Trong sáu tháng qua tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 22,18% (cao nhất cả nước), cao gấp 2,2 lần so với sáu tháng đầu năm 2018, trong đó đáng chú ý tốc độ tăng tưởng công nghiệp đạt tới 48,7%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt gần 13.782 tỉ đồng, huy động vốn đầu tư phát triển đạt trên 53.323 tỉ đồng. Môi trường đâu tư kinh doanh được cải thiện, trong sáu tháng đầu năm đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 110 dự án (năm dự án FDI) với tổng vốn đăng ký là 13.774 tỉ đồng và 44,3 triệu USD...

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự phiên họp toàn thể Diễn đàn SPIEF-2019
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự phiên họp toàn thể Diễn đàn SPIEF-2019

Chiều 7/6 (theo giờ địa phương), đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng Đoàn đại biểu Đảng ta đã tham dự phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF) lần thứ 23.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN