Minh bạch quỹ bảo trì đường bộ

Sau gần một năm Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) đi vào hoạt động, việc chi từ quỹ dù chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, song đã phát huy tác dụng trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp bảo vệ đường sá. Để đảm bảo minh bạch, hiệu quả từng đồng vốn bảo trì, nhiều ý kiến cho rằng, ngành giao thông vận tải cần tăng cường kiểm tra, thẩm định thực tế trước khi quyết định chi từ quỹ này.


Vẫn “giật gấu vá vai”


Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, cả nước hiện có gần 18.000 km quốc lộ (QL), trong đó có hơn 3.400 km đã khai thác trên 12 năm, hơn 9.700 km đã khai thác trên 8 năm và đã quá thời hạn phải sửa chữa lớn. Ngoài ra, còn có gần 2.600 km khai thác từ 4 - 8 năm đã đến hạn sửa chữa vừa.Tuy nhiên, trong 3 năm qua, mới chỉ có trên 1.200 km được sửa chữa lớn và gần 2.600 km được sửa chữa vừa.

 

Nhờ nguồn kinh phí từ Quỹ BTĐB mà nhiều tuyến đường xuống cấp đã được nâng cấp, sửa chữa.


Theo Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Đức Thắng, mỗi năm, nguồn vốn cho công tác BTĐB cần khoảng 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2013, nguồn vốn dành cho lĩnh vực này chỉ có hơn 4.000 tỷ đồng, năm 2014 dự tính số vốn này có thể thấp hơn. Như vậy, nguồn vốn phục vụ công tác BTĐB mới chỉ đáp ứng được từ 30 - 40% nhu cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhờ có quỹ BTĐB, nhiều QL đã được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, phục vụ hiệu quả nhu cầu vận tải.

Toàn bộ các nội dung chi từ quỹ BTĐB được Kho bạc Nhà nước kiểm soát tương tự các khoản chi từ ngân sách. Thời gian qua, quỹ đã chi cho các nhiệm vụ khẩn cấp theo phê duyệt của Hội đồng quản lý quỹ gồm: Sửa chữa các điểm đen giao thông theo đề nghị của Ủy ban ATGT quốc gia, sửa chữa hư hỏng QL6, khắc phục hư hỏng mặt cầu Thăng Long, trả nợ lãi vay dự án sửa chữa QL5, mua lại trạm thu phí Phù Đổng (đợt 1) và mua 57 trạm cân lưu động...


Phó Tổng Giám đốc Khu quản lý đường bộ II (Tổng cục ĐBVN) Nguyễn Xuân Lâm cho biết, khu đang quản lý 19 QL từ Thanh Hóa trở ra. Mặc dù đã ưu tiên phân bổ chi bảo dưỡng thường xuyên, xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, sửa chữa, bổ sung hệ thống an toàn giao thông… nhưng khu vẫn phải “ăn đong” trong việc huy động vốn để bảo trì những đoạn QL đã quá xuống cấp. Phần lớn kinh phí phải dành cho các dự án trọng điểm, nên tình trạng “đói vốn” trong công tác bảo trì vẫn diễn ra dai dẳng.


Ngoài ra, các tuyến đường địa phương cũng nằm trong tình trạng tương tự. Tuy nguồn vốn này phụ thuộc vào khả năng ngân sách địa phương, song theo rà soát, nhiều địa phương cấp kinh phí cho hoạt động bảo trì chỉ đạt khoảng 20 - 30%.


Các chuyên gia giao thông nhận định: Trong khi vốn cho đầu tư xây dựng còn hạn hẹp, thì việc bố trí đủ vốn cho công tác bảo trì để giữ gìn chất lượng đường sá là chủ trương hợp lý. Vì theo tính toán của các chuyên gia, nếu chi 1 đồng cho bảo trì để bảo đảm đường luôn tốt, sẽ tiết kiệm được 3 đồng trong khai thác vận tải do tiết kiệm nhiên liệu, giảm hao mòn xe, nâng cao năng suất phương tiện, giảm thời gian đi lại. Trong trường hợp chi thiếu 1 đồng cho bảo trì, gồm cả bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ, sẽ phải chi 4 đồng cho đầu tư khôi phục, xây dựng lại công trình.


Chi một đồng, cũng phải minh bạch


Chánh Văn phòng quỹ BTĐB Lê Hoàng Minh cho biết: Năm 2013, khả năng tài chính của quỹ Trung ương đạt trên 6.400 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách cấp 1.500 tỉ đồng và số thu từ phương tiện dự kiến đạt trên 4.921 tỷ đồng. Số tiền được chi theo kế hoạch năm 2013 của quỹ Trung ương là 4.100 tỷ đồng, để bảo trì thường xuyên 102 tuyến QL và sửa chữa định kỳ 904 dự án. Như vậy, dù chưa đủ cho nhu cầu bảo trì (lên tới trên 10.000 tỷ/năm cho riêng hệ thống QL), song nguồn lực cho công tác này đã lớn hơn các năm trước (năm 2012 chỉ có gần 3.000 tỷ đồng).


Năm 2013 là năm đầu tiên có được nguồn kinh phí cho việc bảo trì các tuyến đường địa phương. Ngoài nguồn thu phí BTĐB từ xe máy (nếu thu đủ sẽ đạt tới 2.600 tỉ đồng), các địa phương còn được tiếp nhận 35% của quỹ Trung ương chuyển về, từ nguồn thu phí ô tô, tương đương với khoảng hơn 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho các dự án sửa chữa hư hỏng của hàng trăm tuyến đường trọng yếu tại các địa phương.


“Chi một đồng cũng phải có địa chỉ rõ ràng, có thẩm định trên thực tế trước khi quyết chi. Công tác BTĐB phải được xã hội hóa, đấu thầu rộng rãi, do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện. Đồng thời, phải xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở hạ tầng, khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, một tuyến đường được sửa chữa phải được lập hồ sơ đưa vào sử dụng khi nào, được sửa chữa mấy lần, đơn vị nào bảo dưỡng…", Bộ trưởng Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quỹ BTĐB Trung ương khẳng định.


Lãnh đạo Sở GTVT nhiều địa phương cũng cho rằng: Quỹ tuy chưa đáp ứng nhu cầu, nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh “khát vốn” hiện nay, qua đó những đơn vị được giao quản lý ủy thác sẽ biết quý trọng nguồn vốn để chăm lo giữ gìn đường tốt hơn. Vì vậy, với những trường hợp khẩn cấp hoặc do bão lũ thiên tai, thì quỹ địa phương phải chỉ định những doanh nghiệp có đủ năng lực và kinh nghiệm thi công.


Bài và ảnh: Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN