Đặt chân đến huyện Mai Sơn (Sơn La), chúng tôi được chứng kiến sự hồ hởi của bà con khi đón nhận những chiếc máy nông cụ để phục vụ sản xuất của mô hình khuyến công, được triển khai tại hai xã Mường Bằng và Mường Chanh của huyện.
Hướng dẫn bà con vận hành máy nâng xếp mía. |
Dự án hỗ trợ máy nâng xếp mía cho bà con tại xã Mường Bằng nằm trong dự án cơ giới hóa trong sản xuất mía nhằm đẩy nhanh tốc độ cơ giới ngành nông nghiệp của xã để tăng nhanh giá trị thu nhập. Dự án đã cấp 5 máy nâng xếp mía được sản xuất theo công nghệ mới cho 5 nhóm hộ (5 hộ dân/nhóm) theo phương thức Nhà nước hỗ trợ 75%, nông dân góp 25%, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận và làm quen với cơ giới hóa, thuận lợi cho khâu thu hoạch và bốc xếp mía, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất lao động.
Ông Quàng Văn Xiển, ở bản Hạo, vui vẻ nói: “Sở hữu một chiếc máy giá trị lớn thế này mà nhóm hộ chúng tôi mỗi người chỉ cần góp hơn 1 triệu đồng. Thật phấn khởi vì đã có máy bốc xếp mía từ bãi lên ô tô thay sức người”. Còn ông Lường Văn Phích, bản Quỳnh Bằng, vui mừng: “Bản chúng tôi đều là hộ dân tái định cư Thủy điện Sơn La chuyển từ huyện Quỳnh Nhai tới, chưa quen trồng mía bao giờ. Đến tái định cư tại xã Mường Bằng, theo bà con sở tại, chúng tôi đã trồng mía để cung cấp cho nhà máy mía đường, thấy khâu bốc xếp mía lên xe vất vả nhất. Khi chặt mía xong phải mất 13 người làm, sau 4 giờ bốc xếp mới xong 1 xe mía. Nhưng bây giờ có máy rồi chỉ mất 4 người làm trong 1 tiếng là xong xe mía thôi”. Với năng suất đạt 10 tấn/giờ bốc xếp, độ tiêu hao nhiên liệu thấp, ước tính việc áp dụng máy nâng xếp mía cho 1 ha tiết kiệm được 1.867.000 đồng, đáp ứng được tiến độ thu hoạch, giải quyết việc thiếu nguồn nhân lực cho các hộ trồng mía.
Bàn giao máy làm đất đa năng cho bà con xã Mường Chanh. |
Tại xã Mường Chanh, nơi triển khai mô hình cánh đồng lúa mẫu, cứ 5 hộ nông dân sẽ được nhận 5 máy làm đất đa năng cho lúa và 1 máy gặt đập liên hợp. Theo dự án cơ giới hóa trong sản xuất lúa, mỗi hộ sẽ được sử dụng 1 máy làm đất đa năng do nguồn vốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 100%. Máy dùng trong cày bừa, đánh luống, xới đất, làm cỏ và phá gốc mía đã trồng lâu năm. Máy được thiết kế nhỏ gọn, ít tiêu hao nhiên liệu, đặc biệt phù hợp với các ruộng bậc thang hay ruộng manh mún ở miền núi. Theo tính toán, tối thiểu gần 3 giờ đồng hồ sẽ làm xong 1.000 m2 đất, mỗi ngày làm 8 tiếng sẽ được 5.760 m2, tính ra tiết kiệm được 2,256 triệu đồng/ngày.
Ông Tòng Văn Chắp, bản Lọng Chặng, hồ hởi: “Không có tiền mua trâu, bò, hàng ngày gia đình tôi phải làm việc vất vả trên cánh đồng mà không đủ chi tiêu, bây giờ có máy làm đất rồi, chi phí đầu tư giảm mà năng suất lại tăng, cuộc sống gia đình tôi chắc sẽ khấm khá hơn trước”. Còn ông Hà Văn Cường, bản Noong Ke, là một hộ trong nhóm được bàn giao máy gặt đập liên hợp, tâm sự: “Gia đình tôi có 4 người, 2 cháu đi học xa chỉ có 2 lao động chính cày cấy trên 8.000 m2 của gia đình, làm việc rất vất vả. Chúng tôi mới chỉ được thấy chiếc máy gặt đập này trên ti vi, bây giờ được nhìn tận mắt và được sử dụng từ vụ này, sẽ tiết kiệm được thời gian lao động và nhân công lao động, có thể chăn nuôi thêm để cải thiện kinh tế gia đình”.
Theo tính toán, nếu đồng ruộng được cơ giới hóa thì chất lượng lúa sẽ đồng đều hơn nhờ các khâu gieo trồng, chăm sóc được thực hiện đồng bộ, kịp mùa vụ, từ đó thuận lợi cho việc mở rộng diện tích xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu lúa tập trung, nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng lúa. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng là một khâu quan trọng để hoàn thành những mục tiêu nông thôn mới.
Bài và ảnh: Ngần Thị Minh Thanh