Mở rộng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng đánh giá chương trình nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH - DN) TP Hồ Chí Minh đã tạo ra nguồn vốn giá rẻ cho DN, góp phần duy trì sản xuất kinh doanh trong giai đoạn kinh tế khó khăn nhất.

 

Chương trình kết nối đã tạo ra nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp.

Trong đó, lãnh đạo chính quyền các cấp đóng vai trò như “trọng tài” trong mối quan hệ ba bên: Chính quyền, NH và DN. Với những hiệu quả đã đạt được, chương trình hiện đang được nhân rộng ra các tỉnh, thành phố lớn khác.

 

Kết nối cung - cầu vốn


Theo bà Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, NH khó tăng trưởng tín dụng do khó tìm được DN tốt để cho vay, còn DN khó tiếp cận NH do không đủ tiêu chuẩn. Vì thế, thành phố đã chủ động xây dựng chương trình kết nối NH với DN để giải quyết dòng vốn đầu ra của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn, đồng thời cũng giúp DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp.


Kể từ khi chương trình kết nối NH - DN được thực hiện (tháng 2/2012 đến nay), chương trình đã đem lại hiệu quả rất thiết thực và có rất nhiều các NHTM trên địa bàn thành phố đăng kí tham gia. Năm 2013, nhiều quận, huyện đã triển khai kết nối NH - DN trên địa bàn đến lần thứ hai, thứ ba. Từ đó cũng giải quyết trên 650 DN, hợp tác xã (HTX) và hộ cá nhân vay được vốn ngân hàng lãi suất thấp, với tổng số vốn vay trên 13.700 tỷ đồng. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, đã có trên 430 DN tham gia chương trình với tổng số vay gần 11.000 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó TGĐ Ngân hàng Sacombank, cho hay trong 6 tháng đầu năm 2014, NH đã kí kết gần 1.299 tỷ đồng tại 10 quận, huyện. Hầu hết, những DN mà NH kí kết đều hoạt động có kết quả tốt. Để có được như vậy, NH đã chủ động đưa việc liên kết này vào các kế hoạch hành động hằng năm, đồng thời chủ động liên hệ kết nối với chính quyền địa phương, có sự phối hợp với các sở ban ngành thành phố để triển khai nhanh trong việc thẩm định, đánh giá về nhu cầu vốn để cung ứng vốn kịp thời. Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hải, quyền Trưởng văn phòng đại diện Agribank tại TP Hồ Chí Minh, thừa nhận nếu không thường xuyên đi cơ sở, chủ động gặp gỡ các DN, nắm bắt nguyên nhân thì sẽ khó biết được DN nào thực sự cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý các vấn đề liên quan đến điều kiện, thủ tục vay vốn… Như vừa qua, đơn vị này đã giải quyết trường hợp cho vay tín dụng chuyển từ ngắn hạn sang vốn trung, dài hạn cho một DN sản xuất thủy sản ở huyện Bình Chánh với số dư nợ 50 tỷ đồng. Đây là trường hợp khá đặc biệt vì DN này làm ăn thua lỗ 3 năm liên tiếp, nhưng lại có nhu cầu vốn xây dựng nhà máy và muốn tăng hạn mức vốn vay lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.


Theo ông Thương Văn Do, Giám đốc DNTN TMDV sản xuất Hồng Mộc, trong tình hình khó khăn chung, nếu không nhờ chương trình này thì DN khó có thể duy trì phát triển sản xuất. Bởi nhờ vốn vay lãi suất thấp, DN mới giảm được chi phí đầu vào và hạ giá thành nhằm tăng tính cạnh tranh sản phẩm đầu ra. “Tôi đánh giá cao chương trình này và mong rằng UBND thành phố tiếp tục duy trì và mở rộng chương trình kết nối nhằm tạo tiền đề cho các DN duy trì phát triển và ổn định trong sản xuất kinh doanh”, ông Do nói. Bà Tô Mỹ Châu, TGĐ Công ty CP giấy Phùng Vĩnh Hưng, cũng bày tỏ hiệu quả thiết thực của chương trình kết nối NH - DN. Bà Châu cho biết, từ khi tham gia chương trình kết nối, với gói vay khoảng 110 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm, đã giúp DN vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay. Vì thế, cần nhân rộng mô hình nhằm giúp các DN trong cả nước có điều kiện vay vốn giá rẻ.


Cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở


Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhờ chương trình kết nối NH - DN, nhiều DN đã vượt qua khó khăn, có vốn để đầu tư nâng cao trang thiết bị, tiếp tục sản xuất. Điều này cũng đã góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội. Có thể thấy, 6 tháng đầu năm 2014, TP Hồ Chí Minh đã đóng góp trên 30% ngân sách quốc gia và đóng góp 20% GDP cả nước.


Ông Phạm Ngọc Hưng, PCT Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Chương trình kết nối ở TP Hồ Chí Minh thành công là do có những yếu tố tích cực hỗ trợ: NH chủ động tiếp cận với chính quyền, liên kết với địa phương thẩm định nhu cầu vốn DN; còn chính quyền địa phương tích cực chọn DN tốt bảo lãnh cho ngân hàng, hỗ trợ DN thực hiện thủ tục hành chính, pháp lý, xử lý tài sản thế chấp… giúp NH nhanh chóng giải ngân cũng như thu hồi vốn”.


Đồng tình quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó TGĐ khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Đông Á cho biết thêm, các buổi lễ ký kết đều được truyền thông rộng rãi đã tăng tính công khai minh bạch trong quan hệ NH - DN. Qua đó, tạo được sự tin tưởng giữa người đi vay và người cho vay. Để tiếp nối thành công ở những tỉnh thành khác, cần vai trò tích cực từ phía chính quyền cơ sở. “Phòng kinh tế các quận, huyện phải giúp ngân hàng trong việc thu thập danh sách DN có nhu cầu vay vốn, giới thiệu cho NH, cung cấp thông tin về họ thì mới có thể rút ngắn thời gian cho vay vốn”, bà Vân bày tỏ.

Ông Tạ Duy Lâm - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh: Chương trình kết nối là sự năng động, sáng tạo của chính quyền thành phố Thông qua chương trình kết nối NH - DN, UBND TP Hồ Chí Minh không chỉ thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó cho các DN mà còn giúp NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi khi thực hiện cho vay. Thứ nhất, chương trình đã giúp NHNN sàng lọc ra những DN khó khăn thật sự, từ đó giúp các DN tiếp cận nguồn vốn nhằm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất với điều kiện tốt nhất. Thứ hai, chương trình đã đem lại thuận lợi trong việc hợp tác của các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương chính sách về lãi suất, về vốn, về cơ cấu lại nợ cho các DN do Thống đốc chỉ đạo và sự hợp tác của các DN với NH theo yêu cầu của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, có một số TCTD chủ động dành ra một nguồn vốn nhất định để xây dựng các gói tín dụng phù hợp để cùng tham gia chương trình. Thứ ba, chương trình này được Thống đốc NHNN Việt Nam cho nhân rộng ra trong toàn bộ hệ thống NH, từ đó thể hiện quyết tâm của ngành NH trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, qua đó các NH có sự nhận thức để chủ động tham gia tốt chương trình.

 

Ông Đỗ Trọng Vĩnh - Phó TGĐ Công ty CP Thủy Đặc Sản (Seaspimex): Cần quan tâm hơn đến nông - lâm - ngư nghiệp NHNN cần ưu tiên cho các đối tượng này được vay vốn dài hạn với thời gian dài trên 15 năm, lãi suất ưu đãi từ 0 - 5% để DN có thể mở rộng đầu tư nhà máy, thay đổi công nghệ, hiện đại hóa máy móc thiết bị. Thứ hai là NH nên cho vay vốn bổ sung ngắn hạn thời điểm mùa vụ, bởi đây là đặc thù của ngành, cần phải dự trữ nguyên liệu rất lớn để đảm bảo ổn định sản xuất, ổn định công ăn việc làm cho người lao động. Thứ ba là NHNN nhanh chóng có những biện pháp, công cụ về kinh tế nhằm quản lí và kiểm soát vấn đề tỷ giá, lãi suất vay của NH trong thời gian dài để các DN yên tâm vay vốn đầu tư.

 

Hải Yên

Các doanh nghiệp ở Bến Tre chưa tiếp cận được vốn ngân hàng

Chiều ngày 4/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bến Tre đã tổ chức buổi đối thoại giữa ngân hàng và 13 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN