“Một người đã từng mắc sốt xuất huyết (SXH) thì sẽ miễn dịch với tuýp virút đó nhưng vẫn có khả năng tiếp tục nhiễm bệnh do nhiễm một tuýp virút khác và lần nhiễm bệnh thứ 2 thường nặng hơn lần đầu”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virút Dengue gây nên. Virút được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng dịch thường xảy ra vào các tháng 5 - 11 (vào mùa mưa). Ở nước ta, virút Dengue có 4 tuýp huyết thanh gây bệnh gồm: D1, D2, D3 và D4. Sau khi mắc bệnh SXH do nhiễm virút tuýp D1, trong cơ thể người bệnh sẽ có kháng thể chống lại virút tuýp D1. Nhưng ngay sau đó, bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục mắc SHX do nhiễm 1 trong 3 tuýp còn lại (D2, D3 hoặc D4). Trong lần mắc SXH thứ 2, trong cơ thể tồn tại song song 2 loại kháng thể tương ứng với 2 tuýp huyết thanh gây bệnh SXH, sự xung đột giữa 2 kháng thể này có thể gây ra các phản ứng như: Tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, xuất huyết, truỵ tim mạch…
“Để tránh những biến chứng nặng, bệnh nhân nghi mắc SXH cần đặc biệt chú ý ngày từ thứ 3 - 7 mắc bệnh, giai đoạn này có thể xuất hiện những biến chứng, dễ dẫn đến hạ huyết áp, xuất huyết, suy chức năng các cơ quan. Do đó, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay nếu thấy mệt nhiều, nôn nhiều, li bì hoặc bồn chồn, kích thích, đau bụng, đau gan, tức ngực khó thở, ho khan, đi tiểu ít (4 - 6 giờ không đi tiểu), chân tay lạnh, chảy máu lợi, chảy máu dưới da, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…”, Ths.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo.