Trong đông y, quả chín của cây hòe gọi là hòe giác. Khi thu hoạch quả hòe chín, bà con lấy hạt đem trồng, còn vỏ phơi hoặc sấy khô. Dược liệu này có mặt ngoài nhăn nheo, màu đen nâu, vị đắng, tính hàn, cũng chứa rutin với hàm lượng 4,3% và một số dược chất khác.
Hòe giác để sống, uống mỗi ngày 10g dưới dạng nước sắc có thể chữa sốt xuất huyết khi sốt đã giảm nhưng còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da; trẻ em chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nếu đem sao tồn tính (dạng đốt cháy đen nhưng không thành than), rồi hãm hoặc sắc uống, hòe giác chữa được bệnh đại tiện ra máu. Hòe giác và hòe tử (hạt hòe) tán bột, trộn với tiết dê tươi làm thành bánh, phơi khô, mỗi lần uống 8g với rượu cúc hoa vàng vào lúc đói có thể chữa trĩ sưng đau.
Để chữa trĩ nội và viêm ruột, lấy hòe giác 100g phối hợp với kim ngân hoa 100g, cam thảo dây 12g, nghệ vàng 10g. Cách chế: Hòe giác sao kỹ đến khi có màu tím sẫm, tán bột; các dược liệu khác phơi khô, tán bột. Trộn đều hai bột lại. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g vào lúc đói.
Chú ý: Phụ nữ có thai không được dùng hòe giác vì dễ bị sảy thai.
Ngoài ra, theo y học cổ truyền, hạt hòe (hòe tử) cũng được dùng với bài thuốc chữa băng lâm hạ huyết (chứng ra máu nhiều ở phụ nữ). Lấy hòe tử 250g tẩm rượu sao, đan sâm 125g tẩm giấm sao, hương phụ (tên loại thuốc) 60g. Tất cả nghiền thành bột, làm viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi sáng uống 15g với nước cháo.
X.M (st)