Mức cát sê ca sĩ - công chúng nói gì?

Những người trong cuộc (ca sĩ, ông bầu, nhà tổ chức...) đều đã lên tiếng về cát sê. Cơ bản, với người trong giới thì mức cát sê dù "khủng" như vậy vẫn là phù hợp. Ngay Hà Hồ trong một chương trình truyền hình mới đây cũng khẳng định: Cát sê thể hiện phần nào giá trị lao động của nghệ sĩ. Giá không phải tự ca sĩ đặt ra, muốn cũng không được. Mọi người chỉ ồn lên khi nghe thấy những con số nhưng hiếm khi biết không ít chương trình các ngôi sao chỉ thấy thù lao tượng trưng, thậm chí hát không thù lao. Khi ca sĩ lấy cát sê, họ nói sao nghề này kiếm tiền nhiều thế. Nhưng khi ca sĩ đi làm từ thiện, tặng hàng trăm suất học bổng... thì không ai hỏi tiền ấy ở đâu ra. Cũng theo ca sĩ này, chuyện cát sê nên là việc giữa nhà tổ chức và nghệ sĩ!


Nhưng xem ra, không thể là chuyện riêng được. Hãy nghe xem công chúng nói gì về vấn đề này.

 

Bài 1: Cần sự cảm thông

 

Dân Hùng - nhiếp ảnh gia (Hà Nội): Để thị trường tự điều tiết


Theo tôi, mức cát sê mà ca sĩ Bằng Kiều nhận được là 20.000 USD cũng chỉ là trong một chương trình cụ thể, còn các chương trình sau thì mức cát sê sẽ thấp hơn rất nhiều.


 

Ca sĩ Bằng Kiều nhận được cát sê khủng 20.000 USD.

Cát sê có cao hay không là do các ông bầu chịu trách nhiệm. Nếu ông bầu chịu được mức cát sê cao của ca sĩ, cân đối được với giá vé và lượng vé bán ra là vẫn có lãi, thì mức cát sê cao là hợp lý thôi. Vì dù còn bao nhiêu chi phí khác mà ông bầu vẫn trả được cho ca sĩ mức cát sê ấy, và phải có những ca sĩ ấy thì ông bầu mới bán được vé, thì mức cát sê 80 - 120 triệu/đêm vẫn là chuyện bình thường, không có gì là cao cả. Còn trường hợp nếu cát sê quá cao khiến nhà tổ chức lỗ, thì lần sau đương nhiên họ sẽ không mời ca sĩ đó nữa hoặc tìm cách hạ giá cát sê xuống. Khi đó, bản thân ca sĩ cũng sẽ phải xem xét để tự hạ mức cát sê của mình xuống... Vì vậy, nên để thị trường tự điều tiết với mức cát sê.


Công chúng đòi hỏi mức cát sê thấp xuống, thì cũng cần phải nhìn nhận xem bản chất của nghề ca sĩ là như thế nào. Ca sĩ phải lao động nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không thể đong đếm bằng tiền được. Ca sĩ đặt mức cát sê cao, bù lại phải bỏ công sức như thế nào, ở đây ngoài vấn đề tài năng ra thì ca sĩ cũng phải lao động nghệ thuật, không thể hát chán mà được cát sê cao. Bản thân ca sĩ ấy cũng phải có độ hot nhất định, họ cũng phải bỏ tiền PR bản thân, phải xây dựng hình ảnh, đầu tư quần áo, vũ đoàn, các chiêu trò... đều mất chi phí cả.


Còn một vấn đề nữa, giá cát sê ca sĩ khi công bố với công chúng biết thì chỉ có 50% là thật thôi, còn là ảo. Cát sê là thỏa thuận ngầm giữa ông bầu và ca sĩ, có trường hợp đưa ra mức là 20.000 USD, nhưng thực ra có khi chỉ là 10.000USD. Họ đưa ra mức cát sê cao như thế để những ông bầu khác khi tổ chức, khi cân đối mức kinh phí của mình, nếu thấy không thể chịu được mức cát sê này, sẽ không dám mời ca sĩ đó nữa. Khi đó đương nhiên có một chương trình độc quyền với ca sĩ đó, nhờ đó sẽ bán được vé cao và tránh được sự cạnh tranh của các chương trình khác. Bản thân ca sĩ cũng lợi vì có một show nào chấp nhận được mức cát sê như vậy thì ca sĩ được lợi vì nâng được mức cát sê cũng như "tầm" của mình lên. Nói chung, với công chúng, được ông bầu cho biết mức cát sê bao nhiêu thì biết thế thôi, chứ không phải là người trong chăn nên không thể biết chính xác được.

 

Nguyễn Ngọc Hiếu (Hà Nội): Đời ca sĩ rất ngắn ngủi


Thứ nhất, ca sĩ chủ yếu là trời phú cho giọng hát, giống như đá bóng, cũng phải là năng khiếu. Vì vậy số người có thể làm ca sĩ không phải là nhiều, nên xem đây là một nghề mang đặc thù riêng, đặc biệt. Thứ hai, chúng ta cũng nên hiểu rằng: Đời ca sĩ giống như đời cầu thủ, rất ngắn ngủi, nên trong thời gian còn "làm nghề" được, họ có thu nhập khủng là chấp nhận được. Mà để lên sân khấu hát, ca sĩ cũng còn trăm thứ phải chi tiêu, nhất là với tính cách nghệ sĩ của họ, như mua sắm quần áo đẹp, son phấn trang điểm, tiền thuê vũ đoàn, cả tiền mua bản quyền ca khúc nữa...

 

Phan Phương - nhân viên ngân hàng (Hà Nội): Tài năng mới làm nên tên tuổi ca sĩ


Tôi khá sốc khi theo dõi loạt bài về cát sê ca sĩ trên báo chí thời gian vừa qua. Với những người có tiền thì tôi không rõ, nhưng với một nhân viên văn phòng làm công ăn lương và đã có gia đình như tôi, đó là những con số “trong mơ”. Tôi nghĩ công chúng không phủ nhận tài năng và sự vất vả của giới ca sĩ trên con đường xây dựng tên tuổi của mình, nhưng để trả cát sê cho ca sĩ với con số khổng lồ như thế thì quả thật có xứng đáng hay không thì chưa ai dám chắc.

 

Cứ cho là ca sĩ sẽ mất nhiều chi phí để giữ gìn hình ảnh của mình vào trang phục, làm đẹp, chi phí cho bầu sô, thu âm, làm đĩa... nhưng mỗi người mỗi nghề, đáp lại những gì họ bỏ ra là sự nổi tiếng và sự yêu mến của công chúng. Tài năng mới là cái làm nên tên tuổi ca sĩ, còn cát sê giờ đã bị thị trường bóp méo thành phương tiện kiếm tiền cho không ít bộ phận ca sĩ thị trường nổi tiếng nhờ lăng xê. Cát sê thể hiện mức độ “hot” của ca sĩ nhưng dù “hot” bởi tài năng hay “hot” bởi sự lăng xê thì họ cũng cần phải biết rằng họ là “người của công chúng”.

 

Mà đã là người của công chúng thì phải vì công chúng. Nhưng thực tế, tôi cho rằng để trả được cát sê cao như thế cho ca sĩ, đơn vị tổ chức cũng sẽ đưa vào giá vé để bán cho công chúng, vậy thì một nhân viên văn phòng bình thường thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng như tôi có lẽ là “không dám” mơ đến một chiếc vé đến các sân khấu ca nhạc để thưởng thức nghệ thuật. Tôi vẫn còn nhớ khi biết tin ca sĩ B.K về nước làm liveshow, tôi đã ấp ủ dự định kiếm bằng được chiếc vé để đi xem. Nhưng khi hỏi đến vé từ rất sớm thì đã không thể mua được bởi để xem được show diễn này, vợ chồng tôi chắc chắn sẽ mất đến non nửa tháng lương. Vậy là chỉ có thể xem lại bản quay mờ tịt trên youtube mà thôi.


NHÓM PHÓNG VIÊN VĂN HÓA

 

Bài cuối: Cao nhưng phải xứng đáng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN