Mức cát sê ca sĩ - công chúng nói gì? - Bài cuối: Cao nhưng phải xứng đáng

Nguyễn Thị Thu Phương (Hà Nội): Cát sê cao sẽ tạo ảo tưởng cho giới trẻ


Mặt bằng chung cát sê của ca sĩ hiện tại là quá cao so với mức sống chung của xã hội, điều đó hoàn toàn dễ dàng nhận ra. Tất nhiên có rất nhiều ý kiến cho rằng, cát sê cao nhưng nếu thấy lợi nhuận thì các bầu sô vẫn đầu tư, tùy theo độ hot của mỗi ca sỹ, đó cũng là một giải thích hoàn toàn hợp lý về mặt kinh doanh. Nhưng bên cạnh đó, ở một khía cạnh khác, việc cát sê cao sẽ dẫn đến giá vé cao, và làm cho số người tiếp cận những chương trình ca nhạc sẽ bị hạn chế hơn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng một phần tới thị hiếu, đến nhu cầu thưởng thức âm nhạc trong công chúng. Nếu như giá vé các chương trình, các show diễn chất lượng...”mềm" hơn một chút, có lẽ sẽ thu hút và tạo động lực cho người xem có thói quen đi xem ca nhạc nhiều hơn, đặc biệt như các chương trình tại Hà Nội.

Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng có mức cát sê thuộc hàng “khủng” nhất
.Ảnh: CTV


Bên cạnh đó, được biết một số chương trình "ca nhạc doanh thu”, vì chi phí trả cát sê cho ca sĩ quá cao, để lấp đầy một chương trình, hầu hết bầu sô sẽ chỉ gọi 1, 2 sao tham dự, còn lại toàn là ca sĩ hát lót (cát sê chỉ vài trăm ngàn hoặc cao hơn là đôi ba triệu), và cũng không đầu tư chất xám về kịch hay set up sân khấu. Chính vì vậy chất lượng chương trình luôn ở mức thảm hại, trong cả 2 tiếng của chương trình chỉ có 15 - 20 phút mà "sao" biểu diễn là còn có chút hưng phấn đối với khán giả, còn thì không thể chấp nhận nổi. Điều này quả thật đã khiến rất nhiều khán giả có cái nhìn thiếu thiện cảm với show ca nhạc và với một số khán giả khó tính thì sẽ không bao giờ đi xem nữa. Nếu như mặt bằng chung cát sê các ca sĩ đồng loạt được điều chỉnh lại cho phù hợp hơn, có lẽ khán giả sẽ dễ dàng tiếp cận họ hơn, thị hiếu âm nhạc biết đâu cũng sẽ đi lên và người nghe sẽ “Nghe có ý thức” nhiều hơn.


Ngoài ra, khi cát sê cao, vô hình chung sẽ tạo nên một ảo tưởng dành cho rất nhiều bạn trẻ, lao mình vào showbiz bằng mọi giá để nổi tiếng với ước mơ đổi đời, cái đó suy cho cùng không hẳn là tiêu cực, nhưng cũng sẽ tạo nên những ảnh hưởng không tốt trong suy nghĩ, nhận thức của thế hệ trẻ: Làm ca sĩ thì thu nhập mới cao, mới được nổi tiếng, hâm mộ, vậy thì sẽ chẳng ai thích làm giáo viên, bác sĩ, kĩ sư. Vô hình chung giá trị nghề nghiệp trong nhận thức thế hệ trẻ sẽ bị thay đổi.


Tuy biết là thế, nhưng bài toán cát sê sẽ là một bài toán vô cùng khó khăn để đưa ra tiêu chuẩn chung. Nếu thực sự có lời giải cho bài toán này, thì thật là một tin vui đối với đại đa số khán giả của V - biz.

Nguyễn Bùi Thúy Anh: Chương trình phải xứng với đồng tiền khán giả bỏ ra


Giống như bác sĩ, giáo viên hay kỹ sư... ca sĩ cũng là một nghề trong xã hội và lương của họ chính là cát sê trong mỗi buổi diễn. Tiền cát sê thể hiện đẳng cấp, sự nổi tiếng và độ “hót” của ca sĩ đó với người hâm mộ. Ca sĩ là nghề luôn phải "làm mới" trong mắt công chúng. Không chỉ mới trong ca khúc, họ còn phải đầu tư mới về trang phục, diện mạo, phụ kiện đi kèm, êkíp phục vụ... nên việc đưa ra giá cát sê cao là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Những con số về cát sê của một số ca sĩ dạo gần đây vẫn chỉ là lời đồn và chỉ có người trong cuộc là bầu sô, ca sĩ và quản lý của ca sĩ mới biết đâu là sự thật. Nếu ca sĩ hét giá cát sê cao, thì đơn vị tổ chức cũng buộc phải bán vé giá cao mới mong có lợi nhuận. Điều này sẽ khiến công chúng yêu nhạc cân đong có nên bỏ ra vài triệu để mua một cặp vé đến xem trực tiếp hay không? Và khi đã tới rạp, chắc chắn họ mong muốn được xem một chương trình xứng với số tiền họ bỏ ra mua vé.

Thu Trang - nhân viên văn phòng (Hải Phòng): Không thể chấp nhận mức cát sê bằng 1.500 ngày lao động


Chuyện cát sê không thể nói là chuyện riêng của ca sĩ và nhà tổ chức được, bởi ai sẽ là người phải "gánh" mức cát sê ấy: Chính là công chúng. Cát sê cao, đồng nghĩa với nhà tổ chức phải nâng giá vé để bù vào khoản kinh phí mà mình phải bỏ ra. Đó là lý do vì sao những chương trình ca nhạc gần đây, giá vé toàn ngất trời, thấp nhất cũng là 500.000 đồng/vé, và cao nhất lên tới 3 - 4 triệu đồng. Thậm chí, có người đã phải bỏ ra 1.000 USD (hơn 20 triệu đồng) để mua cặp vé chợ đen cho chương trình Bằng Kiều. Nghe nói, mức cát sê cho Bằng Kiều trong chương trình đó là 20.000 USD (hơn 400 triệu đồng). Đó không phải là tác động của cát sê là gì.


Có nhà tổ chức sẽ nói rằng, công chúng chịu được mức giá vé ấy thì họ mới có thể bán được vé, thậm chí là chương trình nào cũng cháy vé. Nhưng thử hỏi, là công chúng nào được xem những chương trình này? Liệu với những người làm công ăn lương, những công chức nhà nước, bao giờ sẽ có thể đủ tiền mua vé đi xem ca nhạc, mức vé có khi bằng cả 1 tháng lương của mình. Tôi không đồng ý với việc ca sĩ có thể được "đặc quyền" hưởng một mức cát sê "khủng khiếp" như vậy, nghĩ mà xem, có những mức cát sê một đêm của ca sĩ mà bằng tới 4 năm lương, tức là gần 1.500 ngày lao động của một người lao động bình thường (mức cát sê của ca sĩ hạng sao hiện khoảng 120 - 200 triệu đồng/đêm). Có làm phép so sánh như vậy mới thấy con số này khủng khiếp đến thế nào.

Nguyễn Quang Anh - sinh viên (Đà Nẵng): Phải trở về đúng giá trị thật


Thu nhập ca sĩ như thế là quá cao so với các ngành nghề lao động khác trong xã hội. Tại sao lại như vậy, trong khi kinh tế đang khó khăn, cả thế giới phải tiết kiệm chứ không riêng Việt Nam, ca sỹ lại có thể lĩnh 6.000 USD cho một đêm diễn? Điều đó quá vô lý. Bên cạnh đó, chúng ta hãy nhìn vào tài năng thực sự của họ và so với số cát sê trên trời ấy, xem có phù hợp không. Rồi đây, các ca sĩ cũng cần giống như các cầu thủ bóng đá của Việt Nam, phải trở về đúng với giá trị thật của nó.


Nhóm Phóng viên Văn hóa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN