Bộ phận một cửa Cục Hải quan Hà Nam Ninh. Ảnh: Minh Đức/TTXVN. |
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Hà Nội cho hay: KTCN hiện là vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp. KTCN trong năm 2016 đã giảm được trên 50% thủ tục, cấp độ giải quyết thủ tục hành chính hiện đang ở cấp độ 3... nhưng doanh nghiệp kỳ vọng thời gian tới các thủ tục này sẽ được tiếp tục giảm. Đặc biệt, năm 2017 cấp độ giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên cấp độ 4, để tất cả các thủ tục phải giải quyết trực tuyến.
"Các thủ tục về cấp giấy chứng nhận, chứng nhận C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ), chỉ giao về một đầu mối là hải quan, là nơi nhận các thủ tục để giải quyết cho doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp phải đến 3 - 5 đầu mối hồ sơ chuẩn bị như nhau, thủ tục như nhau nên mất nhiều thời gian. Khi thủ tục đã tinh gọn rồi thì thời gian giải quyết cũng phải rút ngắn, để đồng bộ với các thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp..", ông Quốc Anh kiến nghị.
Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân cho hay: Thực tế, KTCN quá mức cần thiết đang là lực cản cơ bản đối với nỗ lực cải thiện chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới”, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng quá mức đối với DN. Điều này có thể được chứng minh từ số liệu của Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2016, đơn vị chỉ phát hiện 30/67.224 lô hàng (chiếm 0,04%) không đạt yêu cầu về kiểm tra an toàn thực phẩm...
"Hiện nay, số lượng doanh nghiệp làm các thủ tục liên thông một cửa liên quan đến dịch vụ công trực tuyến tương đối nhiều. Để áp dụng điều này thì cơ quan chức năng cần nâng cấp thường xuyên thiết bị công nghệ để việc giải quyết thủ tục nhanh hơn. Các thủ tục hiện nay tối đa giải quyết trong 3 ngày nhưng mong muốn của doanh nghiệp là tối đa trong 24 giờ vì đối với doanh nghiệp thời gian là cơ hội, là chi phí nên cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp", ông Giám nói.
Theo các chuyên gia trong ngành, để KTCN không còn là 'lực cản' đối với doanh nghiệp thì các cơ quan chức năng cần sớm áp dụng Chính phủ điện tử. Khi áp dụng Chính phủ điện tử sẽ hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, theo đó sẽ giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề nghị cần có sự liên kết, hợp tác, đồng bộ vấn đề về văn bản liên thông giữa các bộ, ngành, hải quan, cơ quan thuế… cần đồng nhất, minh bạch, giải quyết thấu đáo cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có niềm tin vào các cơ quan quản lý trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Kế hoạch triển khai Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ Tài chính, từ ngày 1/3/2017, Tổng cục Hải quan đã chính thức triển khai Hệ thống DVCTT tại địa chỉ http://pus.customs.gov.vn.
Hệ thống DVCTT được triển khai gồm 41 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hải quan, cho phép đối tượng thực hiện thủ tục là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ điện tử và theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ tại tất cả các đơn vị hải quan trên toàn quốc. Đối với mỗi thủ tục được cung cấp DVCTT, Tổng cục Hải quan đều đăng tải hướng dẫn, trình tự thực hiện theo quy định hiện hành.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, mặc dù đã có những cải tiến mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa chủ yếu do trở ngại từ thủ tục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành. Đây cũng được coi là một trong những nút thắt trong cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Hiện nay, thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm đến 72% và làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.