Các nhà hoạt động về môi trường Bắc Mỹ đã yêu cầu lãnh đạo các nước này có câu trả lời rõ ràng về mối quan hệ giữa chính quyền với các công ty năng lượng hóa thạch, cũng như tương lai của một số dự án dầu khí lớn tại châu Mỹ.Động thái trên diễn ra trong thời điểm giới chức Mỹ và Canada có những bài phát biểu hùng hồn về việc thế giới cần phải tăng cường vai trò và trách nhiệm của mình tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm nay ở Lima, Peru (COP-20).
Các nhà hoạt động biểu tình phản đối chính sách năng lượng tại Bắc Mỹ. Nguồn: IPS |
Ngày 11/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu về vai trò của các quốc gia trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu, đồng thời nhắc lại hình mẫu được nêu trong thỏa thuận giữa Mỹ-Trung Quốc vừa ký hồi tháng 11 vừa qua.
Thỏa thuận trên, với nội dung nhất trí cam kết cắt giảm khí thải của cả hai nước, đã được nhiều quốc gia ca ngợi như là một bước tiến trước Hội nghị COP-20 lần này của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội dân sự lại bày tỏ lo ngại về sự thiếu kết nối giữa thông điệp mà Mỹ dùng trong hội nghị ở Lima với tình hình khai thác nhiên liệu hóa thạch của nước này.
Bài diễn văn của Ngoại trưởng Kerry tại Hội nghị mâu thuẫn với sự lưỡng lự của chính quyền Mỹ trong việc bãi bỏ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, được đề xuất xây dựng với mục đích vận chuyển hơn 800.000 thùng nhựa đường một ngày từ tỉnh Alberta của Canada sang các nhà máy lọc dầu tại bang Texas, Mỹ.
Dyanna Jaye, đại biểu thanh niên Mỹ tham dự Hội nghị nói: ""Cách tốt nhất mà Mỹ có thể hỗ trợ sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc là bắt đầu ngay ở trong nước bằng cách từ chối xây dựng các đường ống dẫn dầu Keystone XL bây giờ."
Dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL vẫn bị đình trệ kể từ năm 2011. Sau khi dự án được thỏa thuận, các nhà hoạt động môi trường đã kịch liệt phản đối, đồng thời liên tục gây áp lực nhằm thúc ép Tổng thống Barack Obama từ chối. Dự án đã được nhiều lần đưa lên Quốc hội Mỹ, gần đây nhất Hạ viện đã thông qua, nhưng bị đình lại ở Thượng viện ngày 5/11 khi chỉ bị thiếu một phiếu.
Tổ chức Thanh niên Mỹ đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc ép Ngoại trưởng Kerry từ chối dự án Keystone XL. Sau bài phát biểu của Ngoại trưởng Kerry, Jaye cùng nhiều thanh niên Mỹ khác và các nhà hoạt động trẻ người Canada đã tổ chức biểu tình phản đối dự án đường ống xuyên hai quốc gia nêu trên.
Mỹ không phải là nước duy nhất có vấn đề trong nước trực tiếp mâu thuẫn với báo cáo của họ tại COP-20. Chính phủ Canada cũng đã bị chỉ trích vì thiếu quyết tâm hành động vì môi trường trong thực tế, cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty nhiên liệu hóa thạch.
Ngày 9/12, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Canada Leona Aglukkaq nói rằng Canada "tự tin có thể đạt được một thỏa thuận khí hậu" tại các cuộc đàm phán ", tuy nhiên việc này sẽ đòi hỏi lòng dũng cảm và ý thức chung".
Trong khi chính phủ Canada cố gắng để miêu tả bản thân như một nhà lãnh đạo trong các cuộc đàm phán khí hậu, các nhà hoạt động xã hội dân sự đã chỉ ra sự khác biệt giữa mục tiêu khí thải hứa hẹn và lượng khí thải thực sự tồn tại.
Elizabeth May, một thành viên của Quốc hội Canada và lãnh đạo của Đảng Xanh Canada tham dự COP 20 cho biết: "Theo Thủ tướng Stephen Harper, Canada không có chính sách khí hậu ngoài quan hệ công chúng". Bà May cũng nói thêm: "Sự nhiệt tình khai thác nhiên liệu hóa thạch đã dẫn đến việc pháp luật về môi trường bị vô hiệu. Nền kinh tế Canada đã bị bóp méo vì lợi ích từ việc xuất khẩu dầu cát".
Vào ngày cuối cùng của hội nghị, Canada đã được trao giải Hóa thạch của Ngày, một giải thưởng không lấy gì làm vinh dự do các nhà hoạt động xã hội dân sự trao cho các nước lạc hậu nhất trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Lê Hoàng