Do vấn đề kinh phí, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định hủy toàn bộ kế hoạch công du Đông Nam Á kết hợp tham dự hai hội nghị quan trọng tại đây. Việc này diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều cảnh báo về nguy cơ nước Mỹ sẽ trải qua một cuộc vỡ nợ thảm khốc nếu tình trạng chính phủ “đóng cửa” còn tiếp diễn.
Dồn dập cảnh báo
Bộ Tài chính Mỹ ngày 3/9 đã cảnh báo về một thảm họa nếu quốc hội nước này không thống nhất nâng mức trần nợ công trước ngày 17/10. Bộ này dự báo đây là thời điểm chính phủ Mỹ sẽ cạn sạch tiền và không thể thanh toán mọi chi phí hoạt động. Hậu quả là Mỹ có thể sẽ quay trở lại thời kỳ suy thoái như giai đoạn năm 2008-2009.
Dân Mỹ biểu tình trước tòa nhà quốc hội phản đối việc một số cơ quan chính phủ ngừng hoạt động. Ảnh: THX/ TTXVN |
Cảnh báo này của Bộ Tài chính được đưa ra trong một báo cáo, trong đó chỉ ra viễn cảnh ảm đạm với nước Mỹ: Trong trường hợp bế tắc trần nợ công gây ra vỡ nợ, nó sẽ gây hậu quả thảm khốc không chỉ đối với thị trường tài chính mà còn đối với cả tăng trưởng kinh tế, chi tiêu tiêu dùng và quá trình tạo công ăn việc làm. Thị trường tín dụng có thể bị đóng băng, giá trị đồng USD lao dốc, lãi suất tăng vọt, cả thế giới bị tác động.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew cho rằng trì hoãn tăng trần nợ công cho đến tận phút chót như cách đây 2 năm là không cần thiết. Ông ví nó như một vết thương nước Mỹ tự gây ra cho mình, gây ảnh hưởng đến cả người dân và nền kinh tế. Hồi năm 2011, dù Mỹ thoát vỡ nợ vào phút chót nhưng chỉ số tín nhiệm tín dụng của Mỹ đã bị Standard&Poor’s hạ bậc và để lại “vết sẹo” lâu lành cho nền kinh tế.
Hiện nay, chính phủ Mỹ gần chạm mức trần nợ công 16.700 tỷ USD và từ tháng 5/2013, khiến Bộ Tài chính phải huy động tiền từ những nguồn khác nhau để bù đắp mức bội chi 60 tỷ USD/tháng.
Cùng ngày, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng đưa ra cảnh báo cho nước Mỹ, rằng nếu không nâng trần nợ công kịp thời, không chỉ kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà Lagarde nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Đại học George Washington: “Việc đóng cửa chính phủ đã đủ tồi tệ rồi nhưng thất bại nâng trần nợ công sẽ còn tồi tệ hơn nhiều”.
Chung nhận định với bà Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso ngày 4/10 đã kêu gọi Mỹ giải quyết bế tắc chính trị nếu không hậu quả u ám sẽ ập đến với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Obama lỡ hẹn với Đông Nam Á
Trước tình hình rối ren, bế tắc trong nước, Tổng thống Obama ngày 3/10 đã phải hủy chuyến công du châu Á, lỡ hẹn với Brunei, Indonesia cùng hai sự kiện quan trọng là hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Indonesia và các hội nghị của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Brunei. Trước đó, ông đã hủy chuyến thăm Philppines và Malaysia. Chuyến công du này là một cơ hội để Mỹ thúc đẩy chính sách ngoại giao tại khu vực.
Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Obama đã đưa ra quyết định trên trong bối cảnh chính phủ Mỹ đóng cửa, khiến ông khó có thể chú tâm vào chuyến công du. Hơn nữa, Tổng thống Obama muốn dành thời gian để tiếp tục hối thúc phe Cộng hòa bỏ phiếu mở cửa trở lại chính phủ.
Nhà Trắng còn nhấn mạnh rằng việc Tổng thống Obama phải hủy chuyến công du quan trọng là một hậu quả nữa do phe Cộng hòa gây ra. Việc này sẽ tổn hại vị thế lãnh đạo của Mỹ cũng như các lợi ích của nước này tại Đông Nam Á. Ngoại trưởng John Kerry sẽ tới Indonesia và Brunei thay Tổng thống Obama.
Thùy Dương