Với tỷ lệ áp đảo 407 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 19/7 đã bỏ phiếu ủng hộ việc chấm dứt hợp đồng mua vũ khí giữa Lầu Năm Góc và công ty xuất khẩu quốc phòng Rosoboronexport của Nga.
Phát biểu trước báo giới, Nghị sĩ Jim Moran cho rằng Mỹ không nên mua vũ khí và khí tài quân sự của Nga, nước xuất khẩu vũ khí sang cho Syria. Năm 2011, các thương vụ mua bán vũ khí giữa Moscow và Damacus ước tính lên đến 1 tỷ USD.
Trực thăng Mi-17 của quân đội Afghanistan (năm 2008). Ảnh Internet. |
Điều khoản chấm dứt hợp đồng mua khí tài quân sự của Nga này được đính kèm với dự luật chi tiêu ngân sách quốc phòng trị giá 606 tỷ USD cho tài khóa 2013, vừa được Hạ viện Mỹ thông qua, để chuyển lên Thượng viện Mỹ, hiện do các nghị sĩ Dân chủ kiểm soát, thông qua.
Hồi tuần trước, Lầu Năm Góc đã công bố một hợp đồng trị giá 171 triệu USD mua 10 máy bay chiến đấu Mi-17 của Rosoboronexport. Lâu nay quân đội Afghanistan (Ápganixtan) quen sử dụng các chiến đấu cơ của Nga, điều này có ý nghĩa quan trọng khi các lực lượng Afghanistan sẽ tiếp quản toàn bộ sứ mệnh đảm bảo an ninh sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút hết quân về nước vào cuối năm 2014.
Điều khoản sửa đổi chấm dứt thương vụ vũ khí với Nga nói trên được Hạ viện Mỹ thông qua ngay sau khi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad nếu ông al-Assad không chấm dứt sử dụng các loại vũ khí hạng nặng.
Đây là lần thứ ba trong vòng chín tháng qua, Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết với tư cách là ủy viên thường trực HĐBA LHQ gồm 15 thành viên, để phản đối các nghị quyết chống Syria.
Theo hai nước này, nghị quy ết áp đặt trừng phạt lên chính quyền Syria sẽ chỉ làm tình hình thêm trầm trọng, mà hệ quả có thể khiến bất ổn lan sang các nước khác trong khu vực, đồng thời cáo buộc phương Tây tìm cách sử dụng HĐBA làm phương tiện để hợp thức hóa một hành động quân sự nhằm vào Syria.
TTXVN/ Tin Tức