Vị trí địa lý nằm giữa châu Âu buộc Béclin phải thực thi một chính sách đối ngoại nhiều mặt. Nước này phải cân bằng liên minh quân sự với Mỹ và mối quan hệ năng lượng với Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Béclin. Hành động cân bằng này thường tạo ra những xích mích giữa lãnh đạo Mỹ, Đức nhưng cả hai cường quốc đều muốn phát triển mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng Angela Merkel (phải) và Tổng thống Barack Obama (trái) tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ngày 19/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo mạng tin tình báo “Stratfor”, đây là nội dung chính trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Đức, trong đó ông Obama và Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel sẽ nỗ lực thúc đẩy hiệp định thương mại tự do Mỹ - EU (TTIP).
Mỹ và Đức có mối quan hệ song phương lâu đời và phức tạp. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Oasinhtơn muốn hội nhập Cộng hòa Liên bang Đức vào các thể chế phương Tây. Việc đưa Đức gia nhập NATO (1955) và Cộng đồng Kinh tế châu Âu (1957) là một phần trong chiến lược này. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Mỹ đã ủng hộ thống nhất hai miền nước Đức bất chấp những nghi ngờ từ một số cường quốc châu Âu khác như Anh và Pháp.
Đầu những năm 2000, mối quan hệ giữa Béclin và Oasinhtơn trở lên lạnh nhạt. Đức tham gia phái bộ NATO tại Ápganixtan nhưng năm 2003, nước này phản đối Mỹ xâm lược Irắc khi quan hệ với Nga trở nên gần gũi hơn. Cuối thập kỷ qua, Đức đã phản đối NATO mở rộng sang Ucraina và Grudia để làm hài lòng Mátxcơva. Trong khi EU chìm trong khủng hoảng kinh tế chính trị, nước Mỹ đã chuyển sự chú ý của mình sang Trung Đông và Đông Á.
Vị trí của Đức nằm ngay giữa trung tâm châu Âu cũng đặt Béclin thành trung tâm chính trị của lục địa này. Vị trí địa lý này cũng giải thích tại sao Béclin phải vừa giữ quan hệ tốt với Mỹ lại vừa phải nhượng bộ Nga.
Một trong những bất đồng lớn giữa Mátxcơva và Oasinhtơn là kế hoạch của NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Trung Âu, một kế hoạch mà người Nga xem là mối đe dọa trực tiếp. Để không làm mất lòng Nga, bà Merkel luôn duy trì quan điểm cho rằng NATO và Nga nên hợp tác trong vấn đề phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng mối quan hệ song phương Đức - Nga không có những căng thẳng. Béclin thường chỉ trích Mátxcơva về các vấn đề nhân quyền và một số nghị sỹ Đức đã phản đối các cuộc đàm phán Đức - Nga về chương trình miễn thị thực cho các quan chức Nga.
Những năm gần đây, Đức và Mỹ đã thể hiện quan điểm khác nhau trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro. Nhiều thành viên nội các của ông Obama đã chỉ trích chính sách củng cố tài chính của Béclin, thúc giục chính quyền Merkel thúc đẩy nhu cầu nội địa. Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã gây sức ép với EU đẩy nhanh việc hình thành liên minh ngân hàng đầy đủ trong khi Đức lại muốn Brúcxen triển khai từ từ.
Đức và Mỹ có những lợi ích kinh tế quan trọng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, nguồn nhập khẩu lớn thứ tư của Đức. Trái lại, Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu, nguồn nhập khẩu lớn thứ năm của Mỹ. Hơn nữa, Béclin và Oasinhtơn ủng hộ các kế hoạch ký một thỏa thuận tự do thương mại Mỹ - EU, dự kiến bắt đầu đàm phán vào đầu tháng 7 này. Thuế quan giữa hai thị trường hiện đã tương đối thấp, trung bình 3%, nhưng điểm quan trọng của thỏa thuận này lại nằm ở việc cắt giảm các hàng rào phi thuế quan. Các quan chức châu Âu bày tỏ lạc quan rằng thỏa thuận sẽ đạt được vào cuối năm 2014.
Những thỏa thuận kinh tế giữa Béclin và Oasinhtơn không ảnh hưởng đến Mátxcơva, nhưng những thỏa thuận giữa Đức và Nga có thể gây căng thẳng trong quan hệ với Oasinhtơn. Là nhà xuất khẩu hàng đầu châu Âu, Đức quan tâm đến việc thực hiện các thỏa thuận thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, là cường quốc kinh tế, chính trị lớn của châu lục, Đức lại phải duy trì quan hệ chiến lược với Nga.
Quang Tuyến (P/v TTXVN tại Mỹ)