Theo "Nhật báo Phố Uôn" (Mỹ), các quan chức của chính quyền Tổng thống Barack Obama đang gia tăng cảnh báo về một thỏa thuận hợp tác khoa học giữa CHDCND Triều Tiên và Iran. Theo họ, thỏa thuận này có thể thúc đẩy các chương trình hạt nhân và tên lửa của hai nước.
Tổng thống Iran Ahmadinejad chào đón ông Kim Yong Nam tại Têhêran tháng 9/2012. Ảnh: Internet |
Các quan chức Mỹ và Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng thỏa thuận hợp tác giữa Triều Tiên và Iran, ký kết hồi tháng 9/2012, giống với thỏa thuận mà Triều Tiên đã ký với Xyri năm 2002 và sau đó Triều Tiên bắt đầu bí mật xây dựng một lò phản ứng hạt nhân sản xuất pluton ở miền Đông Xyri. Ông Olli Heinonen, cựu nhân viên thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho biết nội dung của hai thỏa thuận có lời lẽ và nhiều điểm giống nhau.
Oasinhtơn đang gia tăng sự quan tâm về thỏa thuận hợp tác giữa Iran và Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng và khi Têhêran chuẩn bị sản xuất đủ nhiên liệu hạt nhân đã được làm giàu để chế tạo bom nguyên tử. Oasinhtơn quan ngại rằng hai đồng minh quân sự này sẽ sử dụng thỏa thuận để tăng cường các thực lực hạt nhân của mình, giống như hai nước đã hợp tác phát triển các hệ thống tên lửa. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng khẳng định, bất kỳ "sự hợp tác khoa học" nào giữa Iran và Triều Tiên cũng đều tạo ra sự quan ngại thực sự đối với Mỹ và Mỹ sẽ phải theo dõi chặt chẽ.
Lễ ký thỏa thuận hợp tác khoa học giữa Triều Tiên và Iran được thực hiện tại Têhêran tháng 9/2012, với sự tham dự của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và nhân vật số 2 của chính phủ Triều Tiên Kim Yong Nam. Ông Kim Yong Nam cũng từng dẫn đầu đoàn đại biểu của Triều Tiên sang Xyri năm 2002 và ký kết thỏa thuận hợp tác khoa học giữa Triều Tiên-Xyri, trong đó kêu gọi tăng cường “trao đổi chuyên môn và cùng sử dụng thiết bị nghiên cứu khoa học”.
Mặc dù truyền thông nhà nước Iran không nói cụ thể nội dung thỏa thuận hợp tác với Triều Tiên là nhằm phát triển công nghệ hạt nhân nhưng cho biết hai bên đã thành lập các phòng thí nghiệm, trao đổi các nhà khoa học, chuyển giao công nghệ trên lĩnh vực năng lượng và công nghệ thông tin.
Các quan chức Mỹ và châu Âu đặc biệt quan ngại về sự có mặt tại lễ ký của Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran, ông Fereydoun Abbasi-Davani. LHQ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ông Abbasi-Davani năm 2007 sau khi tổ chức này có những bằng chứng cho thấy sự liên hệ của ông này với chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân.
Iran và Triều Tiên bắt đầu hợp tác quân sự trong cuộc chiến kéo dài 8 năm của Iran với Irắc trong những năm 80 của thế kỷ trước. Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Têhêran các loại vũ khí hạng nhẹ và pháo binh tại thời điểm quốc tế đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí chống Iran.
Kể từ đó, Triều Tiên nổi lên như một nhà cung cấp chủ yếu các thành phần tên lửa cho Têhêran. Thực tế, tên lửa tầm trung Shahab-3 của Iran được sản xuất dựa trên cơ sở thiết kế của tên lửa Nodong-1 của Triều Tiên. Do đó, Oasinhtơn và IAEA rất lo ngại rằng Bình Nhưỡng cũng có thể bắt đầu chia sẻ công nghệ hạt nhân với Têhêran.
Các quan chức Mỹ và LHQ cho rằng Triều Tiên có thể cung cấp cho Iran các loại nhiên liệu phục vụ chương trình hạt nhân, kể cả quặng urani, máy ly tâm và urani đã được làm giàu. Bình Nhưỡng được cho là đã tiến xa hơn Têhêran trong việc phát triển các công nghệ cần thiết để lắp đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo.
TTK - LD