Bộ Tư pháp Mỹ ngày 25/11 thông báo hai thanh niên người Mỹ, trong đó có một người đang tham chiến tại Trung Đông, đã bị cáo buộc ủng hộ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ John Carlin cho biết thanh niên người Mỹ gốc Somali Abdi Nur, 20 tuổi, và Abdullahi Yusuf, 18 tuổi, bị cáo buộc âm mưu hỗ trợ vật chất cho một tổ chức khủng bố nước ngoài, cụ thể là IS. Phiên tòa xét xử Yusuf đã diễn ra cùng ngày tại thành phố Minneapolis, nơi sinh sống của đa số người Mỹ gốc Somali. Bản cáo trạng nêu rõ Yusuf đang tìm cách xin hộ chiếu sang Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không giải thích được kế hoạch cụ thể tại Thổ Nhĩ Kỳ và giải trình nguồn tài chính cho chuyến đi vì tên này đang ở trong tình trạng thất nghiệp. Trong khi đó, theo Bộ Tư pháp, Abdi Nur đã sang Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/5 và đã không trở về Mỹ theo đúng kế hoạch vào ngày 16/6. Thổ Nhĩ Kỳ được nhiều phần tử khủng bố coi là địa điểm trung chuyển để gia nhập lực lượng chiến đấu cho IS.
Có hơn 16.000 tay súng nước ngoài từ hơn 90 nước trên thế giới tìm cách đến Syria để tham gia IS. |
Thứ trưởng Carlin dẫn con số thống kê cho biết hiện có hơn 16.000 tay súng nước ngoài từ hơn 90 nước trên thế giới tìm cách đến Syria để tham gia IS. Đây thực sự là con số đáng báo động và được xem là mối đe dọa đối với toàn cầu. Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm ngăn chặn các công dân Mỹ gia nhập cuộc chiến của IS và chịu trách nhiệm về những phần tử cung cấp sự hỗ trợ vật chất cho các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Trước đó, ngày 19/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tái khẳng định cam kết đối phó với các mối đe dọa khủng bố toàn cầu và tăng cường bảo đảm an ninh, hòa bình thế giới. HĐBA tuyên bố kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác để nâng cao năng lực đối phó với mối đe dọa từ các tay súng khủng bố nước ngoài và ngăn chặn sự di chuyển của lực lượng này giữa các quốc gia. HĐBA nhấn mạnh "sự quan ngại sâu sắc" đối với các tác động tiêu cực từ các nhóm khủng bố nước ngoài, cũng như ảnh hưởng của tư tưởng bạo lực cực đoan đối với sự ổn định và phát triển của thế giới, đặc biệt tại các nước Iraq, Syria và khu vực Trung Đông.
Thống kê cho thấy các cuộc xung đột do IS tự xưng tiến hành ở Iraq từ tháng 1/2014 tới nay đã khiến khoảng 1,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
* Cảnh sát Hà Lan bắt giữ 3 nghi can khủng bố
Văn phòng công tố Hà Lan ngày 25/11 cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ 3 người đàn ông, trong đó có 1 đối tượng từng là phần tử thánh chiến, bị tình nghi âm mưu tấn công khủng bố và tài trợ cho các tay súng ở Syria.
Theo thông báo của văn phòng trên, 3 đối tượng này ở độ tuổi từ 26 đến 30, bị bắt giữ tại hai thành phố Eindhoven và Arnhem ở miền Nam Hà Lan.
Sau khi khi nhận được thông tin từ Cơ quan an ninh Hà Lan, các công tố viên đã tiến hành điều tra và thu thập thông tin cho thấy những đối tượng nói trên đã chuẩn bị cho các cuộc tấn công khủng bố và có ý định gia nhập Nhóm Hồi giáo cực đoan Mặt trận Al-Nursa - một chi nhánh của mạng lưới khủng bố khét tiếng Al-Qaeda tại Syria. Trong số đó, có một tên bị cáo buộc hỗ trợ tài chính cho các phần tử thánh chiến ở Syria.
Theo số liệu mới nhất của cơ quan tình báo Hà Lan, khoảng 130 phần tử cực đoan của Hà Lan đã tới tham chiến ở Syria, trong đó có 30 đối tượng đã trở về nước và 14 tên khác thiệt mạng trong các vụ giao tranh trên chiến trường. Hiện nhiều phần tử có tư tưởng cực đoan ở các nước châu Âu đã gia nhập vào các nhóm Hồi giáo thánh chiến nguy hiểm tại các nước như Syria, Iraq, Lybia, Yemen... Khi trở về nước, những đối tượng này đang là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với an ninh nội địa vì nguy cơ chúng tổ chức các cuộc tấn công khủng bố là rất cao.
TTXVN/Tin Tức