Nhằm ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra với thị trường tài chính, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 3/9 đã thông qua một quy định mới yêu cầu các thể chế tài chính lớn của nước này nâng cao khả năng thanh khoản. Đây là lần đầu tiên FED đưa ra yêu cầu thanh khoản tiêu chuẩn tối thiểu đối với các ngân hàng quốc tế lớn của Mỹ.
Theo quy định mới, các ngân hàng lớn sẽ phải dự trữ một lượng lớn các tài sản có khả năng thanh khoản cao, như khoản dự trữ tại ngân hàng nhà nước hoặc trái phiếu của chính phủ. Lượng dự trữ này phải tương đương với tổng lượng tiền đầu tư hoặc cho vay của các ngân hàng cho 30 ngày trong thời gian chịu sức ép kinh tế.
Quy định được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng này nêu rõ tỷ lệ thanh khoản an toàn tối thiểu nghiêm ngặt nhất sẽ được áp dụng đối với tất cả 17 ngân hàng có tổng tài sản trên 250 tỷ USD hoặc tổng bảo hiểm rủi ro cho hoạt động đầu tư ở nước ngoài trên 10 tỷ USD. Trong khi đó, có 15 ngân hàng khác có trên 50 tỷ USD tài sản phải duy trì tỷ lệ thanh khoản thấp hơn.
FED cho biết quy định mới này sẽ có hiệu lực một phần từ ngày 1/1/2015 và sẽ được áp dụng toàn diện từ tháng 1/2017. Điều này cho phép các ngân hàng có thời gian tăng lượng tài sản có khả năng thanh khoản cao mà không cần nhanh chóng thu lại các khoản cho vay. FED ước tính, quy định trên sẽ buộc các ngân hàng phải duy trì tổng số khoảng 2.500 tỷ USD là các tài sản có khả năng thanh khoản cao. Tuy nhiên, FED cũng cho biết khoảng 70% các ngân hàng hiện nay đã đáp ứng được các điều khoản của quy định mới.
Trong một tuyên bố riêng, Chủ tịch FED Janet Yellen (Gia-nét Y-ê-len) cho biết quy định này là một trong những bước đi quan trọng của FED nhằm "tăng cường độ an toàn của các thể chế tài chính lớn cũng như sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ". Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cảnh báo các yêu cầu trên có thể ảnh hưởng đến hoạt động cho vay và đầu tư của các ngân hàng, tác động xấu đến tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.
Tỷ lệ thanh khoản an toàn (liquidity coverage ratio - LCR) được tính bằng tổng tài sản thanh khoản của ngân hàng trên tổng tiền đầu tư hoặc cho vay được lên kế hoạch trước. Chỉ số này đưa ra nhằm đảm bảo các thể chế tài chính có lượng tài sản cần thiết có thể chuyển sang tiền mặt ngay lập tức để đối phó với các giai đoạn không có khả năng thanh khoản trong ngắn hạn.
TTXVN/ Tin Tức