Nam Sudan đàm phán ngừng bắn

Đại diện chính phủ Nam Sudan và phe đối lập ngày 2/1 đã có mặt ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn, tiến tới chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba tuần qua.

Giao tranh ác liệt ảnh hưởng đến nhiều người dân Nam Sudan.


Mặc dù chưa hứa hẹn điều gì nhưng việc chính phủ và phe đối lập cùng cử đại diện tới bàn đàm phán được nhận định là một tín hiệu tích cực.


Cuộc đàm phán sẽ tập trung bàn giải pháp thực hiện và giám sát một lệnh ngừng bắn mà hai bên đã nhất trí về mặt nguyên tắc. Trước khi đến địa điểm trung gian ở Ehiopia, Ngoại trưởng Nam Sudan, Barnaba Marial Benjamin viết trên trang Twitter của chính phủ rằng “không muốn để người dân Nam Sudan trải qua một cuộc chiến vô nghĩa”.


Các láng giềng của Nam Sudan, Mỹ và Liên hợp quốc trong những ngày qua đã hối hả tìm cách ngăn chặn tình trạng bạo lực ở quốc gia trung Phi này. Nhà Trắng đã gia tăng sức ép đối với cả hai phe ở Nam Sudan, cho rằng họ phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng bạo lực hiện nay. Mỹ tuyên bố sẽ không hỗ trợ cho bất kỳ phe phái nào giành quyền lực bằng vũ lực. Lãnh đạo các nước châu Phi và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng kêu gọi Nam Sudan chấm dứt bạo lực, giải quyết bất đồng qua đối thoại.


Giao tranh đã bùng phát từ ngày 15/12/2013 sau khi Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir cáo buộc cựu Tổng thống Riek Machar mưu đồ đảo chính. Mặc dù đã thống nhất lệnh ngừng bắn trên nguyên tắc, nhưng hai bên vẫn chưa nhất trí được thời điểm ngừng chiến. Tuy vậy, ông Machar cho biết chưa sẵn sàng đồng ý một lệnh ngừng bắn ngay lập tức cũng như chưa muốn đàm phán trực tiếp với Tổng thống Kiir trong khi lực lượng của ông đang tiến về thủ đô Juba. Về phần mình, ông Kiir từ chối chia sẻ quyền lực với phe đối lập, bác bỏ yêu cầu thả những người trung thành với ông Machar.


Trước đó, ngày 1/1, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hai bang Jonglei và Unity - hai bang có thủ phủ bị lực lượng đối lập kiểm soát. Giao tranh vẫn đang diễn ra ở thành phố nhiều dầu mỏ Bor khiến các bên làm trung gian lo ngại rằng đàm phán có nguy cơ bị “nhấn chìm” ngay cả trước khi bắt đầu.


Xung đột bạo lực hiện đã lan rộng ra cả nước Nam Sudan khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, gần 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Người dân ở tỉnh Jonglei phải lũ lượt đi sơ tán ở bang Lakes lân cận. Ước tính có 70.000 người đã chạy vào bang Lakes.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN