Nan giải tìm đầu ra cho cây keo lai ở Đam Rông (Lâm Đồng)

Keo lai là một loài cây giảm nghèo đang được trồng nhiều tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Tuy nhiên, dù sắp đến kỳ thu hoạch nhưng hiện tại cây keo lai vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, với một số cánh rừng keo lai hiện đã cho khai thác thì đang đối mặt với bài toán: Tiền bán ra không đủ bù chi phí cho công khai thác.

Hàng ngàn ha chưa tìm được đầu ra


Theo thống kê của huyện Đam Rông, trên địa bàn huyện hiện nay có hơn 6.000 ha keo lai. Trong đó, diện tích keo lai hỗ trợ trồng rừng của Chương trình 30a là 3.500 ha, dự án Flitch 500 ha, dự án 661 là 500 ha, diện tích của Công ty Tân Mai là 1.500 ha và diện tích của 7 doanh nghiệp khác có khoảng 1.000 ha. Hiện nay một số diện tích keo lai này đã cho thu hoạch và phần lớn đang trong độ tuổi 3 - 4 năm, tức là sắp bước vào thời kỳ thu hoạch.

Ông Bùi Văn Hởi, Phó chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, khi triển khai trồng keo lai bằng nguồn hỗ trợ của Chương trình 30a, huyện đã tính hướng sau khi thu hoạch sẽ đưa về Madagui (Đạ Huoai) bán cho Nhà máy giấy Tân Mai. Tuy nhiên khi biết thông tin Nhà máy giấy Tân Mai không xây dựng nữa nên việc thu mua keo lai cho người dân địa phương sẽ gặp khó khăn. Trước đây đã có một số doanh nghiệp ở Đắk Lắk đến khảo sát, đặt vấn đề thu mua nhưng họ trả giá quá rẻ (550.000 đồng/tấn) nên huyện chưa đồng ý. Hiện nay, huyện đã ký hợp đồng ghi nhớ với một doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, thu mua theo giá thị trường khi keo lai đến kỳ thu hoạch. “Tuy nhiên đó chỉ là biên bản ghi nhớ chứ chưa có gì chắc chắn” - ông Hởi khẳng định.

Keo lai của gia đình ông Đoan dù đã thu hoạch xong, chở ra đường lớn nhưng vẫn không bán được.


Trước tình trạng trên, huyện Đam Rông đang tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đến khảo sát vùng nguyên liệu để tìm đầu ra cho cây keo lai. Đồng thời huyện cũng đang xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy giấy, xưởng sơ chế vào Cụm công nghiệp Đạ R’Sal của huyện để rút ngắn khoảng cách vận chuyển. Tuy nhiên, theo ông Hởi thì do thiếu vốn nên cụm công nghiệp này chỉ mới có đường dẫn vào và huyện vẫn chưa có tiền giải phóng mặt bằng cũng như việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Khai thác cũng lỗ

Trong khi hàng ngàn ha keo lai hiện chưa chắc chắn về đầu ra thì những cánh rừng keo lai trồng trước đã cho khai thác lại đang đối mặt với bài toán lỗ vốn do tiền bán sản phẩm không đủ chi phí khai thác, công vận chuyển. Ông Nguyễn Tất Đoan, xã Đạ R’Sal, Đam Rông cho biết: “Trồng keo lai ít vốn, nhanh được thu và trước đó Madagui (huyện Đạ Huoai) người dân trồng loại cây này rất có lãi, nên họ đã tìm đến Đam Rông mua đất trồng keo lai”.

Trước tình trạng trên, ông Đoan đã tự khai thác được 36 ha keo lai và đã bị lỗ, phải bù thêm gần 50 triệu đồng để trả chi phí chặt hạ. Để thu được 1 tấn keo lai nguyên liệu thì tiền công thuê người khai thác mất 90.000 đồng, tiền công thu gom 70.000 đồng, lột vỏ 60.000 đồng, bốc lên xe máy cày 40.000 đồng, công chuyển ra đường lớn 100.000 đồng, bốc lên xe lớn 45.000 đồng, chi phí chở đến nhà máy 550.000 đồng. Tổng cộng các chi phí hết 955.000 đồng/tấn, chưa kể các chi phí phát sinh khác trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và tiền đầu tư ban đầu (giống, thuê người trồng cây, làm đường... khoảng 12 triệu đồng/ha). Trong khi đó giá bán ra vào thời điểm cao nhất (tháng 11 - 12/2011) chỉ được 1,05 triệu đồng/tấn.


Do bị lỗ vốn, ông Đoan đã để lại gần 10 ha cho người khác đến khai thác để lấy lại đất trống, tái đầu tư cây trồng khác. Hiện nay, những diện tích keo lai cuối cùng của ông Đoan đang được khai thác, có người đến chở về làm củi, có nhiều số gỗ vẫn đang chất đống ở bìa rừng, chờ mục nát. Ông Huỳnh Văn Bến (ngụ TP Hồ Chí Minh - người được ông Đoan cho khai thác keo lai) cho biết: Dù không phải đầu tư thuê người trồng cây, xử lý thực bì, mua giống... nhưng khi khai thác để bán lại cũng không lời lãi được bao nhiêu, thậm chí lỗ vốn do chi phí vận chuyển đến các nhà máy quá cao.

Trong khi hàng ngàn ha keo lai vẫn chưa có đầu ra thì người dân huyện Đam Rông vẫn tiếp tục đăng ký trồng mới keo lai vì trồng keo lai đang được hỗ trợ kinh phí của Chương trình 30a. Lãnh đạo xã Rô Men cho biết: Năm nay người dân trong xã đăng ký trồng mới thêm 300 ha keo lai, nâng tổng diện tích keo lai của xã lên hơn 500 ha. Đối với đầu ra của loài cây này, xã vẫn theo chủ trương của huyện chứ chưa chủ động tự tìm đầu ra cho người dân.

Bài và ảnh: Nguyễn Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN