Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La là cơ sở y tế tuyến đầu, có lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Với đặc thù là tỉnh vùng cao biên giới với đông đồng bào dân tộc thiểu số, từ khi có chính sách thông tuyến tỉnh đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện ngày càng tăng.
Em Vàng Thị Ca (dân tộc Mông) trú tại bản Tong Tải B, xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn được chẩn đoán mắc bệnh suy thận mãn. Dù mới hơn 20 tuổi nhưng em đã có gần 5 năm chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Em bộc bạch, gia đình rất khó khăn nhưng nhờ có bảo hiểm y tế giúp chi trả toàn bộ viện phí nên em mới có thể duy trì chạy thận 3 buổi/tuần. Em chỉ phải mất tiền ăn và đi lại nên đã giảm bớt được rất nhiều gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Bác sỹ Mai Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, để đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân, tại các khoa, phòng, bệnh viện đã bố trí thêm nhiều điểm khám chuyên khoa, khám cận lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang để bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị ngay ở nơi tiếp nhận ban đầu. Đối với các bệnh nhân điều trị nội trú, bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, bảo đảm mỗi bệnh nhân một giường, không có tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép. Đồng thời, bệnh viện đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh để giải quyết các thủ tục đến khám, điều trị, thanh toán ra viện cho bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời.
Tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Sơn La, hơn 95% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế và hầu hết các trường hợp này đều thuộc diện điều trị nội trú lâu dài. Để bảo đảm quyền lợi cũng như tạo thuận lợi cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, bệnh viện đã chủ động cải thiện chất lượng phục vụ bệnh nhân. Theo đó, triển khai thực hiện mô hình 5S với 5 tiêu chí “sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng” tạo được sự an tâm, tin tưởng cho bệnh nhân và người nhà khi điều trị tại bệnh viện.
Ông Lường Văn Ngải (dân tộc Thái) trú tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã điều trị nội trú được 10 ngày tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Sơn La. Ông chia sẻ, tại bệnh viện, các bác sỹ vừa chu đáo, nhiệt tình vừa có tay nghề cao nên sau một thời gian điều trị, bệnh tình của ông đã thuyên giảm rất nhiều. Cơ sở vật chất bệnh viện khang trang, sạch sẽ cũng giúp cho các bệnh nhân có tâm lý thoải mái khi điều trị. Bệnh của ông là bệnh người già nên việc điều trị xác định còn kéo dài, chất lượng khám, chữa bệnh cùng với chính sách bảo hiểm y tế giúp ông yên tâm nằm điều trị tại bệnh viện đến khi nào khỏi bệnh mới về.
Thực tế, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Sơn La đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, song công tác này gặp còn nhiều khó khăn. Theo bác sỹ Mai Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện lớn, chủ yếu là nhóm đối tượng mắc bệnh mãn tính, phải điều trị nội trú thường xuyên cùng với rất đông bệnh nhân mắc bệnh nặng chuyển tuyến nên bệnh viện thường xuyên vượt quỹ khám, chữa bệnh. Từ đó ảnh hưởng tới việc quản lý, cân đối thu chi của đơn vị trong công tác mua sắm trang thiết bị, đào tạo chuyên môn phục vụ người bệnh.
Ông Sa Văn Khuyên – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết, nếu như tại các bệnh viện được đầu tư xây mới, nâng cấp nhờ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh thì tại hệ thống trạm y tế xã, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hầu hết trạm y tế xã còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, chưa đủ trang thiết bị y tế để thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Từ đó dẫn tới hạn chế trong việc quản lý sức khỏe, phân tuyến bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở và làm vượt quỹ bảo hiểm y tế cho tuyến trên.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La Sa Văn Khuyên, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngành Y tế tỉnh tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ tại các cơ sở y tế, đặc biệt chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Cùng với đó, ngành tiếp tục triển khai thực hiện nhiều biện pháp xã hội hóa công tác y tế tại các bệnh viện, tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh. Ngành cũng phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện thẩm định, quyết toán quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời, chính xác theo quy định; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thanh quyết toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm ổn định quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, hướng tới phát triển bảo hiểm y tế bền vững.