Nâng cao hiệu quả của chính sách dân tộc

Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc của Ủy ban Dân tộc (UBDT), hiện nay có 130 chính sách về dân tộc, trong đó, UBDT quản lý 9 chính sách và các bộ, ngành quản lý 121 chính sách. 

Các địa phương cũng đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành chính sách riêng, phù hợp với địa bàn. Năm 2015 là năm có nhiều chính sách hết hiệu lực, nhưng kết quả thực hiện lại đạt rất thấp, như chính sách nhà ở, đất ở mới được 10%, chính sách cho vay theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ mới đạt 2,3%.

Chương trình 135 cũng chỉ bố trí được trên 60% nguồn lực. Trong khi đó, vừa qua, Quốc hội biểu quyết thông qua phân bổ ngân sách năm 2015 cho các xã nghèo đã giảm kinh phí của Chương trình 135 từ 1,5 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng/xã/năm.

Làm đường giao thông liên thôn, bản từ vốn Chương trình 135 ở
Quảng Ninh.


Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan đã chỉ ra những nguyên nhân của việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án chậm là do năm 2015 cũng như những năm trước, nguồn lực bố trí so với kế hoạch thấp, dẫn đến chính sách thực hiện thiếu đồng bộ. “Nguồn vốn năm 2015 cho chính sách dân tộc mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa qua, các chương trình, chính sách do UBDT chủ trì sẽ tiếp tục được ưu tiên bổ sung vốn”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan khẳng định.

Ở khía cạnh khác, tình trạng "giẫm chân nhau" khi triển khai các chính sách dân tộc giữa các bộ, ngành đang là yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện và mục tiêu của các chính sách. Theo Thứ trưởng Sơn Phước Hoan, sự chồng chéo trong các chính sách một phần là do chưa có sự phân định rõ trong thiết kế các chương trình, dự án giữa các bộ, ngành. “Cần xây dựng Luật Dân tộc và Công tác dân tộc, để có những hướng dẫn trong thực thi, cũng như kịp thời xử lý những sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách. Đặc biệt, cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ các chính sách dân tộc hiện có, khắc phục những bất cập, để chính sách thực sự đi vào đời sống người dân, là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển”, Thứ trưởng Hoan khẳng định.

Hỗ trợ sản xuất bằng máy nông cụ để đồng bào ở tỉnh Lai Châu phát triển sản xuất.


Mặt khác, “Việc xây dựng các chính sách trung hạn vẫn còn lúng túng. Hiện nay, có 2 chương trình là 135 và chương trình chính sách đặc thù. Chương trình 135 khó có thể tách khỏi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chỉ có thể nâng từ 2 hợp phần lên 3 hợp phần. Chương trình chính sách đặc thù là tích hợp nhiều chính sách để xây dựng thành một chương trình đặc thù, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ yêu cầu rà soát lại chương trình đặc thù, vì kinh phí khá lớn 59.000 tỷ đồng, ngân sách khó đáp ứng. Trong thời gian tới cần đặt ra thứ tự ưu tiên, xây dựng lộ trình ra sao vẫn cần phải xem xét”, Thứ trưởng Sơn Phước Hoan nhận định.

“Năm 2015 là năm tổng kết nhiệm kỳ, cùng với đó nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng hết hiệu lực. Là cơ quan tham mưu chính sách cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp quản lý về chính sách dân tộc, UBDT sẽ rà soát lại những chính sách hết hiệu lực, nhưng còn có nhu cầu lớn; đề nghị Chính phủ chuyển sang kế hoạch trung hạn của năm 2015 - 2020, để tiếp tục thực hiện, mà không cần ban hành thêm chính sách mới; những chính sách hết hiệu lực, nhưng nhu cầu không lớn và không cần thiết phải tiếp tục duy trì, thì có thể loại bỏ. Đồng thời, bổ sung những chính sách tín dụng cho vùng đồng bào dân tộc”, Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định.
Minh Phúc
Rà soát chính sách và kinh phí thực hiện chính sách dân tộc
Rà soát chính sách và kinh phí thực hiện chính sách dân tộc

Sáng 2/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã họp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan về rà soát chính sách và kinh phí thực hiện chính sách dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN