Tình trạng nhiều nhà văn hóa cộng đồng (NVHCĐ) vùng đồng bào dân tộc chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn đã được báo Tin Tức phản ánh trong loạt bài “Nâng cao hiệu quả nhà văn hóa dân tộc”, số ra ngày 13 - 15/6/2013. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở về vấn đề này.
´Thưa ông, thời gian qua, đã có nhiều NVHCĐ cho đồng bào dân tộc được xây dựng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của nhiều nhà văn hóa chưa cao, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo và có những chủ trương, chính sách để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó có xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc. Hầu hết các NVHCĐ đã phục vụ sát yêu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa, thể thao của nhân dân; thực hiện tốt việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc.
Đồng bào dân tộc Ơ Đu ở bản tái định cư Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) thường xuyên đến nhà văn hóa cộng đồng sinh hoạt. Ảnh: Trọng Thủy |
Song đến nay, việc xây dựng các NVHCĐ vẫn còn nhiều bất cập, công tác quản lý, tổ chức hoạt động ở các NVHCĐ còn thiếu sự chủ động, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa đồng đều. Một số nơi chưa phát huy tốt điều kiện cơ sở vật chất của các nhà văn hóa… Những hạn chế trên là do một số địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm sâu sắc. Một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Vai trò tham mưu của ngành văn hóa, thể thao và du lịch ở một số tỉnh, thành phố chưa chủ động, tích cực. Thêm vào đó, do điều kiện địa lý, mật độ dân số, và các yếu tố khác về kinh tế, xã hội ở các địa phương khác nhau nên việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa đồng đều và có những kết quả khác nhau.
´Vậy để nâng cao hiệu quả hoạt động của các NVHCĐ, chúng ta cần phải làm gì thưa ông?
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của NVHCĐ, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc, chúng ta cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ. Cục Văn hóa cơ sở đã đề xuất một số giải pháp cụ thể. Theo đó, đối với nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, làng, ấp, bản, ngân sách địa phương hỗ trợ một phần xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động tùy theo khả năng của từng địa phương. Với những vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ một phần chi phí cho hoạt động. Riêng việc cấp trang thiết bị và sản phẩm văn hóa cho các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn không đưa kinh phí về địa phương như hiện nay, mà cần đưa về cấp tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đảm bảo chất lượng. Tăng cường vận động các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn), các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức phi chính phủ và nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và xây dựng quỹ để duy trì hoạt động thường xuyên của các NVHCĐ, đặc biệt ở thôn, làng, ấp, bản…
´Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thì Cục văn hóa cơ sở còn đề xuất thực hiện những giải pháp gì khác để nâng cao hiệu quả hoạt động của các NVHCĐ không, thưa ông?
Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, việc quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ cũng cần được quan tâm. Nhà nước căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ được quy định đối với từng cấp, lập kế hoạch về nguồn nhân lực. Mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa, thể thao quần chúng cho cán bộ cấp xã, thôn, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao, sao cho các hoạt động phải gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân địa phương. Đối với vùng đồng bào dân tộc, cần tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí sao cho phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc, từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng người dân để thu hút người dân tham gia các hoạt động...
Các cơ quan quản lý các cấp cũng cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chế, chế độ... đối với hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách về lương, chế độ thù lao, công tác phí đối với những cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở các lĩnh vực mang tính đặc thù như đội tuyên truyền lưu động, đội chiếu bóng lưu động, đội nghệ thuật quần chúng… Xây dựng chính sách ưu tiên đối với hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em ở miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tham mưu cho UBND các cấp về quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, tổ chức công nhận những thiết chế văn hóa đạt chuẩn làm cơ sở cho việc quy hoạch đầu tư xây dựng, tăng cường thanh tra, kiểm tra; tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý và kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho quần chúng… Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc.
Xin cảm ơn ông!
PV