Trong buổi tọa đàm “Tiếp tục đổi mới cơ chế chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) về nông thôn, miền núi” diễn ra hôm qua (7/11) tại Hà Nội, mặc dù công nhận những kết quả đã đạt được của quá trình chuyển giao song các đại biểu tham gia tọa đàm cũng nêu bật những hạn chế trong công tác này, đặc biệt là khâu lựa chọn cơ quan chủ trì dự án cũng như liên kết giữa cơ quan chủ trì với người nông dân.
Nên giao chủ trì dự án cho doanh nghiệp
Theo ThS. Nguyễn Thế Ích, quyền Chánh văn phòng Chương trình nông thôn miền núi, mỗi loại hình đơn vị chủ trì dự án đều có những thuận lợi và hạn chế cụ thể. Theo đó, đối với các đơn vị chủ trì là đơn vị hành chính sự nghiệp (các đơn vị trực thuộc các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các sở, UBND huyện, thị xã ở địa phương…) có thể thực hiện những dự án mang tính chất xã hội cao, hỗ trợ người dân trực tiếp được hưởng lợi. Tuy nhiên, với những dự án liên quan đến sản xuất sản phẩm hàng hóa thì sau khi kết thúc dự án, việc mở rộng quy mô sản xuất là rất hạn chế.
“Lãnh đạo đơn vị chủ trì hoặc cá nhân chủ nhiệm và các thành viên tham gia dự án tiếp nhận được các công nghệ để triển khai sau 1 thời gian công tác đều thay đổi vị trí (luân chuyển công tác hay nghỉ hưu…) nên thiếu người chủ trì việc tiếp tục nhân rộng kết quả. Ngoài ra có một tỉ lệ đáng kể người lãnh đạo đơn vị chủ trì không có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh nên việc đưa sản phẩm ra thị trường thường bị hạn chế”, ông Ích cho biết.
Ông Bùi Mạnh Hải, nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 1998 - 2002 và 2004 - 2010 nêu thực tế, thời gian qua có một số dự án chưa thành công khi được giao cho UBND cấp huyện chủ trì. Theo ông Hải, mặc dù lãnh đạo các địa phương rất tâm huyết với địa bàn huyện mình nhưng vì họ có rất nhiều công việc. Khi dự án thành công thì họ lại chuyển sang việc khác chứ không tiếp nối đến cùng để mở rộng, duy trì dự án. “Chúng ta nên giao cho doanh nghiệp hay một tổ chức chuyên môn để tạo ra một nguồn lực giúp tổ chức đó phát triển lên”, ông Hải đề xuất.
Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp đã rất chủ động trong việc tham gia vào chuyển giao, ứng dụng KHCN về nông thôn, miền núi. Nhiều doanh nghiệp tham gia dự án nông thôn, miền núi đã bỏ nguồn kinh phí rất lớn, có doanh nghiệp bỏ đến 80% kinh phí cho thực hiện dự án.
Người dân trực tiếp tham gia vào dự án
Bên cạnh vai trò của đơn vị chủ trì dự án, để các tiến bộ KHCN được ứng dụng thành công ở khu vực nông thôn, miền núi, cần phát huy vai trò của người dân, để họ trực tiếp tham gia vào các dự án. Trong quá trình triển khai các dự án KHCN, người nông dân là người trực tiếp thực hiện dự án. “Phải chọn người nào có đủ kiến thức, có nguồn lực để đầu tư, có ý chí phấn đấu vươn lên làm giàu. Nếu chọn hộ không có ý chí, không tâm huyết thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả dự án”, ông Hải cho biết.
Ngoài ra cũng cần quan tâm đến việc gắn kết hai đối tượng này lại với nhau. Theo ông Hải, người chủ trì dự án phải thông qua địa phương để điều tra, khảo sát, lựa chọn hộ nông dân tham gia vào dự án. Chủ trì dự án phải đưa ra tiêu chí chọn hộ nông dân. Chính những hộ này sau khi ứng dụng thành công sẽ trở thành điểm sáng cho các hộ khác noi theo. Từ thực tế trên địa bàn tỉnh mình, ông Vũ Văn Họa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng: “Không nên dàn trải mà cần tập trung vào những hộ dân có khả năng (tài chính, kinh nghiệm…). Hộ nông dân được lựa chọn cần phải được công khai tại địa bàn thực hiện dự án”.
Mặt khác, các mô hình dự án phải đủ lớn và mang tính điển hình mới có sức thuyết phục. “Các dự án cũng cần quan tâm đào tạo nâng cao trình độ tiếp thu công nghệ của người nông dân, nhất là các hộ nghèo”, ông Ích cho hay.
Hoàng Dương