Nga phản đối coi Crimea là 'lãnh thổ chiếm đóng'

Chủ tịch Ủy ban Pháp chế hiến pháp của Hạ viện Nga, ông Vladimir Pligin, ngày 26/3 đã thúc giục chính quyền Nga phản ứng với việc quốc hội Ukraine ra dự luật coi Crimea (Crưm) và thành phố Sevastopol là hai vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.


Dự luật của Ukraine có tên “Về đảm bảo quyền lợi và tự do của công dân tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng” đã được trình lên quốc hội nước này từ ngày 19/3 và ngay lập tức được thông qua trong lần bàn thảo đầu tiên.


Ông Pligin đã chỉ trích mạnh mẽ dự luật của Ukraine, cho rằng dự luật này không phải nhằm đảm bảo quyền lợi và tự do cho người dân ở Crimea và Sevastopol mà nhằm hạn chế tối đa các hoạt động cũng như triển vọng của công dân Nga. Nga coi đây là vi phạm cơ bản quyền lợi của người Nga. Hơn nữa, dự luật nếu chính thức được thông qua sẽ cắt đứt quan hệ của các gia đình có cả công dân Nga và Ukraine một cách có hệ thống. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại.


Nga cho rằng dự luật của Ukraine sẽ ảnh hưởng tới người Nga ở Crimea. Ảnh: AFP/TTXVN


Với các lý lẽ trên, ông Pligin nhấn mạnh rằng Nga phải phản ứng với dự luật này vì nó có những điều khoản không thể chấp nhận được xét về quan điểm nhân đạo, hơn nữa lại cho phép trừng phạt và can thiệp trắng trợn vào công việc của các thực thể hợp pháp như Crimea và Sevastopol.


Crimea và Sevastopol đã ký một hiệp ước với Nga để trở thành thực thể của Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục nhắc lại rằng cuộc trưng cầu ý dân hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và hiến chương Liên hợp quốc. Dù vậy, Ukraine và phương Tây vẫn không coi Crimea là một phần của Nga, thậm chí còn áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga.


Dù vậy, cho đến nay, các biện pháp trừng phạt mới chỉ dừng lại ở việc lập danh sách đen cấm các quan chức Nga vào các nước phương Tây, đóng băng tài khoản của họ ở nước ngoài. Các nước phương Tây, trong đó điển hình là Đức, vẫn chưa dám tiến đến giai đoạn sẵn sàng trừng phạt kinh tế Nga.


Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà không muốn leo thang căng thẳng với Nga mà đang tìm cách xuống thang, đồng thời khẳng định bà hi vọng vào giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Đức ngần ngại trong trừng phạt kinh tế Nga cũng là điều dễ hiểu khi Đức là thành viên Liên minh châu Âu xuất khẩu hàng hóa sang Nga nhiều nhất. Các công ty sản xuất ô tô của Đức có thể sẽ hứng hậu quả đầu tiên vì khoảng một nửa lượng hàng hóa xuất khẩu của Đức sang Nga là xe cộ và máy móc. Ngoài ra, Đức cũng phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga.


Tuy nhiên, phía Mỹ lại không có thái độ “mềm mại” như vậy. Trong bài phát biểu hơn nửa giờ ngày 26/3 tại Brussels, Bỉ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành phần lớn thời gian để xoáy vào vấn đề Ukraine, đặc biệt là việc Nga sáp nhập Crimea. Ông khẳng định Mỹ và các đối tác sẵn sàng mở rộng trừng phạt Nga và loại Nga ra khỏi các cuộc thảo luận quốc tế nếu Moskva còn tiếp tục con đường hiện nay.


Cũng tại đây, ông Obama đã gặp Tổngthư ký NATO Anders Fogh Rasmussen. Sau cuộc gặp, ông Rasmussen cho biết sẽ xem xét lại quan hệ của khối này với Nga. Ông này nói: “Chúng tôi không tìm cách đối đầu nhưng chúng tôi sẽ không nao núng nếu bị thách thức”.


Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt bình luận rằng hành động của Nga tại Crimea là hoàn toàn có thể hiểu được, đồng thời chỉ trích cách phương Tây phản ứng khi Nga sáp nhập Crimea, đặc biệt là hành động loại Nga ra khỏi nhóm G8. Ông Schmidt cũng cảnh báo trừng phạt kinh tế Nga sẽ gây tác động tương tự đối với phương Tây.


Thùy Dương


Nga tăng giá khí đốt 79% với Ukraine
Nga tăng giá khí đốt 79% với Ukraine

Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cho biết giá khí đốt mà Nga bán cho Ukraine sẽ tăng 79% từ ngày 1/4 tới, lên 480 USD/1.000 m3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN