Tình trạng tảo hôn tập trung nhiều ở các huyện Mường Lát chiếm 10,91%, Lang Chánh 8,12%, Quan Sơn 7,49%...Trên thực tế, số cặp tảo hôn còn nhiều hơn con số trên nhưng do công tác thống kê, kiểm tra từ cấp cơ sở chưa sâu sát, người dân không khai báo hoặc cán bộ cơ sở biết nhưng vẫn bỏ qua do nể nang.
Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc kết hôn ở vùng đồng bào dân tộc vẫn dựa trên phong tục tập quán cũ. Việc lấy vợ, lấy chồng của con em vùng dân tộc vẫn phụ thuộc vào sự đồng ý của cha mẹ, những người đứng đầu trong dòng họ. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc cũng có tâm lý muốn con cái trong gia đình yên bề gia thất sớm để có người nối dõi và có thêm lao động nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống khi bố mẹ về già. Ngoài ra, do trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng còn cao, sau khi bỏ học, các em thường tảo hôn.
Trước thực trạng trên, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã có đề án "Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa". Mục tiêu của đề án từ năm 2016-2020 là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực địa phương. Để thực hiện được mục tiêu này, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền sâu rộng xuống từng thôn, bản về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, 100% cán bộ, công chức xã, thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc được quán triệt, phổ biến cung cấp thông tin, kiến thức và cam kết thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình. Đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân và các tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết...