Ngân sách giảm, Mỹ “xoay trục” thế nào ở châu Á?

Đúng như dự đoán của giới phân tích, kịch bản “thoát hiểm” vào phút chót từng xảy ra với “vách đá tài chính” cách đây 2 tháng đã không lặp lại và Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/3 đã phải đặt bút ký vào sắc lệnh cắt giảm 85,4 tỷ USD ngân sách tài khóa 2013. Đáng nói, ngân sách quốc phòng bị cắt giảm hơn 40 tỷ USD và việc này đặt ra câu hỏi chiến lược “xoay trục” tại châu Á sẽ ra sao khi Mỹ không còn “bạo vì tiền”?

 

Nhiều tàu chiến sẽ phải giảm giờ hoạt động trên biển do cắt giảm ngân sách.

 

Khoản cắt giảm ngân sách trị giá 85,4 tỷ USD sẽ được áp dụng trong những tháng còn lại của năm tài chính 2013 (kết thúc vào ngày 30/9/2013), trong đó ngân sách của Bộ Quốc phòng sẽ bị cắt giảm nhiều nhất, tới 42,7 tỷ USD. Với sự cắt giảm này, theo hãng tin AP (Mỹ), sẽ có nhiều nhân viên dân sự phải nghỉ việc không lương và nhiều hợp đồng quốc phòng có thể bị hủy bỏ. Đối với không quân, 200.000 giờ bay tan theo mây khói. Đối với lục quân, 80% đơn vị tác chiến mất phần lớn chương trình huấn luyện thường niên. Còn với hải quân, số ngày hoạt động trên biển giảm ít nhất 30% và trên tổng số 285 chiến hạm, khoảng 30 chiếc không có ngân sách bảo trì.

 

Tuy nhiên, hãng tin AP cho rằng sẽ không có tác hại “nặng nề và rõ nét” đến chính sách trở lại châu Á của Mỹ. Quân đội Mỹ sẽ không rút khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngân sách quốc phòng vẫn duy trì ở mức trên 500 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2020. Oasinhtơn vẫn tiến hành chiến lược thắt chặt quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại với châu Á song song với hợp tác quân sự. Kế hoạch đưa Thủy quân Lục chiến sang Ôxtrâylia sẽ tiếp diễn. Kể từ tháng 4/2013, Xinhgapo sẽ tiếp đón lực lượng hải thuyền tác chiến cận duyên của Mỹ và càng ngày sẽ có nhiều đơn vị Mỹ luân chuyển đến Philíppin.


Giới chuyên gia Mỹ cũng tỏ ra lạc quan. Ông Todd Harrison thuộc Trung tâm Chiến lược và Thẩm định Ngân sách nhận xét rằng tuy quyết định này “khá thô bạo và thiếu tính linh hoạt”, song việc Bộ Quốc phòng bị cắt ngân sách “không phải là một thảm họa”. Đối với những người lo sợ quân đội Mỹ bị suy yếu, Giáo sư Lawrence Korb - thuộc Đại học Georgetown - trả lời rằng "với ngân sách bị cắt xén, quân đội Mỹ vẫn đủ khả năng đương đầu với mọi đe dọa".

 

Chẳng thấm vào đâu?


Các chuyên gia nhận định phải mất vài tuần lễ nữa, những tác động của chương trình cắt giảm ngân sách mới thực sự rõ rệt. Một số ảnh hưởng ban đầu đã xuất hiện như việc một số cơ quan của chính phủ liên bang đã bắt đầu ngưng tuyển dụng nhân viên, cắt giảm chi tiêu nhiều chương trình và dự án để không phải yêu cầu nhân viên nghỉ việc không lương. Ngoài quốc phòng, một số lĩnh vực khác cũng bị cắt giảm ngân sách gồm y tế, giáo dục, hàng không, kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh và cứu trợ thảm họa.


Những người không ủng hộ cắt giảm cho rằng thách thức nằm ở chỗ chương trình cắt giảm này sẽ tiếp tục khiến chi tiêu của chính phủ giảm thêm khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Khi các khoản cắt giảm được thực hiện đầy đủ, những gia đình nghèo và những người thất nghiệp sẽ không còn nhận được các khoản phúc lợi xã hội. Các cửa hàng có thể đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực vì số nhân viên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm bị cắt giảm. Việc vận chuyển hàng hóa có thể bị chậm lại và mức cầu hàng nhập khẩu sẽ giảm, ảnh hưởng tới các đối tác thương mại của Mỹ.


Dù vậy, con số cắt giảm 85,4 tỷ USD đó không phải là lớn so với tổng chi tiêu của chính phủ hàng năm là 3.700 tỷ USD. Chính phủ Mỹ hiện là “nhà tuyển dụng” lớn nhất nước, với tổng nhân lực khoảng 2,7 triệu người. Theo Reuters, chương trình cắt giảm này có thể khiến 800.000 nhân viên chính phủ phải giảm giờ làm, và lương cũng bị cắt giảm. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể giảm mất 0,5% trong năm nay do cắt giảm ngân sách, nhưng đối với một nền kinh tế đang hồi phục cỡ như Mỹ thì con số này chẳng thấm vào đâu.


Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết nếu Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không giải quyết được bất đồng hiện nay, theo lý thuyết, đến hết tháng 3 này, chính phủ Mỹ sẽ không còn đủ tiền hoạt động. Giới phân tích hy vọng việc cắt giảm hiện nay chỉ là tạm thời, và Tổng thống Barack Obama sẽ thuyết phục được phe Cộng hòa thỏa hiệp, như ông đã từng làm trong vấn đề “vách đá tài chính”. Tuy nhiên, quả bóng dường như đang nằm trong chân phe Dân chủ, bởi phe Cộng hòa đã kiên quyết tuyên bố sẽ không thỏa hiệp một lần nữa, mà giờ là lúc ông Obama phải đổi lại bằng việc điều chỉnh chính sách thuế.


Lê Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN