Ngành mía đường tìm hướng đi mới - Bài cuối: Tìm lối ra cho ngành mía đường

Còn một năm nữa, khi cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành, mức thuế nhập khẩu đường về mức 0%. Như vậy, ngành mía đường của Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma, những nước có điểm xuất phát thấp so với các nước khác trong khối sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cơ cấu lại sản xuất


Không chỉ đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nội tại, trong thời gian tới, ngành mía đường đang phải đối diện với nhiều thách thức của quá trình hội nhập. Trước khi gia nhập WTO, thuế nhập khẩu đường là 40 - 60%. Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, thuế nhập khẩu đường trắng trong hạn ngạch đối với các nước ngoài ASEAN là 40% với đường trắng và 25% với đường thô. Còn theo Hiệp định thương mại tự do giữa các nước trong khối ASEA (AFTA), thuế suất nhập khẩu đường từ các nước ASEAN cũng giảm dần: Năm 2007 là 30%; 2008 là 20%; 2009 là 10%; 2010 đến nay là 5% (với cả đường trắng và đường thô) và từ năm 2015 sẽ về mức 0%.

 

Các nhà máy đường cần rà soát lại phương thức hoạt động.
Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN


Bên cạnh đó, hiện nay, do đường nhập lậu không ngăn chặn được triệt để nên mỗi năm có 300.000 - 400.000 tấn đường lậu từ Thái Lan vào Việt Nam đã gây nhiều khó khăn cho các nhà máy đường trong nước.


Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách nông nghiệp (IPSARD) cho rằng, giá đường trong nước cao hơn giá đường quốc tế đã nhiều năm vì các chính sách bảo hộ của chúng ta đã thực hiện từ nhiều năm nay.

Theo Tiến sĩ Đỗ Ngọc Diệp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu mía Việt Nam, chất lượng mía đường thấp và chi phí sản xuất mía cao là do đầu tư về giống, ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, mía cho năng suất, chữ đường thấp, người dân tốn nhiều chi phí nhân công trong sản xuất và thu hoạch. Để ngành mía đường phát triển và có đủ sức cạnh tranh, cần quan tâm khắc phục các hạn chế trên. Trong đó, yếu tố về giống là rất quan trọng.


Thực tế, không riêng Việt Nam, nhiều nước cũng có chính sách bảo hộ ngành mía đường của nước mình. Tuy nhiên, khi hội nhập tới thì họ phải tự thay đổi để thích ứng với điều kiện mới.


Do vậy, “doanh nghiệp mía đường Việt Nam phải nghiêm khắc rà lại chính mình, rà lại năng lực quản lý, công nghệ, quy mô. Đặc biệt, phải rà lại mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp, rà lại vùng nguyên liệu của mình. Nếu năng lực cạnh tranh của ngành mía đường thấp hơn các nước thì người nông dân và doanh nghiệp chỉ tồn tại được khi chính sách bảo hộ còn tồn tại. Như vậy, cần phải tập trung thay đổi cơ cấu sản xuất của ngành mía đường càng sớm càng tốt”, ông Sơn nhất mạnh.


Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong một nền nông hiện đại, nếu áp dụng công nghệ hiện đại, quy mô sản xuất tốt thì khả năng canh tranh có thể vượt qua được lợi thế so sánh. Ví dụ, Hoàng Anh Gia Lai đã dùng công nghệ cao để trồng mía tại Lào, làm cho chi phí nguyên liệu giảm rất nhiều. TH True milk đem hàng vạn con bò tới vùng khắc nghiệt ở Nghệ An nuôi và khai thác sữa thành công. Điều đó chứng tỏ khoa học công nghệ có sức mạnh to lớn.

Nâng cao năng lực cạnh tranh


Đến năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành. Nhưng năng lực cạnh tranh của ngành mía đường các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma thấp hơn so với các nước khác trong khối.


Theo Tiến sĩ Hà Hữu Phái - Trưởng Văn phòng Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội, cần có thêm thời gian để người nông dân và các nước này chuẩn bị cho việc đưa thuế nhập khẩu về 0%. Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét đàm phán để kéo dài đến năm 2020, nếu không thể kéo dài tới năm 2020 thì có thể kéo dài tới năm 2018. Trong thời gian đó, người trồng mía và ngành mía đường Việt Nam phải có những giải pháp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh để đủ sức đối phó với đường từ Thái Lan tràn vào với thuế suất bằng 0%.


Tuy nhiên, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện IPSARD cho rằng, trong quá trình hội nhập thì việc bảo hộ sẽ không còn. Vì vậy, các địa phương trồng mía phải rà soát lại về khả năng cạnh tranh. Nếu thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, quy mô trang trại không tốt bằng các đối thủ cạnh tranh khác thì tốt nhất là chuyển sang các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.


Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong quá trình chuyển đổi, đối tượng cần chú ý nhất là nông dân, những nơi chưa chuyển đổi được ngay, hoặc chuyển phải có điều kiện thì chúng ta phải có kế hoạch chuẩn bị để hỗ trợ người nông dân có thể chuyển sang các cây trồng vật nuôi khác hiệu quả hơn. “Đây là việc chúng ta phải làm trước, ngay từ bây giờ. Đừng đợi tới lúc bắt đầu áp dụng các mức thuế thấp mới xoay chuyển thì sẽ không kịp”, ông Sơn cho biết.


Do cung vượt cầu và khả năng cạnh tranh kém ngay tại thị trường trong nước, vừa qua ngành mía đường phải tìm cách xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, ngành mía đường phải nhanh chóng thay đổi để không phải chật vật xuất khẩu, bán tháo đường sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược như năm 2013 vừa qua.


Để giảm tình trạng thừa đường có thể đa dạng hóa các sản phẩm mía. Từ cây mía có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm khác như cồn nhiên liệu, chất dẻo sinh học, ván ép từ bã mía… Hiện nay, Bộ NN & PTNT đang triển khai việc xây dựng Nghị định về mía đường để tập trung giải quyết các vấn đề về phát triển vùng nguyên liệu mía, tổ chức chế biến và tiêu thụ sản phẩm đường và các vấn đề liên quan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam.


Lê Nghĩa - Phi Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN