Mùa gặt là mùa tôi nhớ nhất khi nhớ về nơi thôn quê. Đó là mùa vui của người nông dân quê tôi sau bao tháng ngày vất vả.
Ngày mùa, lúa chín vàng trên cánh đồng quê tôi như những tấm thảm được thêu dệt bằng những sợi chỉ vàng óng ả. Một bức tranh tuyệt đẹp mà không đâu có được. Những bông lúa uốn cong như những lưỡi liềm đang đu đưa trước gió, từng hạt lúa tròn mẩy đang căng mình kiêu hãnh về sự thảo thơm và đầy đặn. Trên cánh đồng, những đàn chim sẻ, chim ri đang thỏa mình tung bay nô đùa để đắm mình vào ngày hội lớn của người nông dân. Chúng đang kiếm tìm những hạt cỏ mọc trong đám lúa như để làm sạch hơn tấm thảm vàng của đồng lúa. Một mùa vàng đã đến.
Ngày mùa, người dân quê tôi dậy sớm hơn mọi ngày để đi gặt cho kịp. Chúng tôi cũng dậy rất sớm giúp cha mẹ nấu cơm, quét sân để chuẩn bị đón những hạt thóc vàng đầu tiên của vụ mùa. Người dân phấn khởi và hăng hái ra đồng như đi hội. Trên cả cánh đồng vàng rực, những lưỡi liềm lưỡi hái đưa lên rất nhanh và khéo léo để cắt những khóm lúa đang trĩu nặng hạt vàng. Tấm thảm màu vàng như đang được thu nhỏ lại, cuốn lại rồi được cất đi. Cha và anh tôi nhanh nhẹn ôm những ôm lúa bó lại thành từng bó rất to rồi gánh vào bờ cho vào máy vò. Rồi từ máy vò lúa, những hạt thóc vàng chắc nịch căng tròn được tuôn ra đều đặn. Mẹ cười bảo lúa năm nay được mùa vì ít hạt lép và hạt lửng. Trên áo mẹ, tôi thấy đẫm những giọt mồ hôi.
Ngày mùa, lũ trẻ con chúng tôi vui lắm, cũng chạy lăng xăng khắp cánh đồng như để thưởng thức “ bữa tiệc” vui cùng người nông dân quê mình. Chúng tôi cùng nhau khiêng nồi nước vối sóng sánh thơm nức cùng cái bát đưa nước cho thợ gặt rồi cùng nhau đi men theo bờ ruộng rình bắt những chú muỗm béo mũm mĩm và những chú châu chấu đang chốn sau lá lúa. Cả bọn rủ nhau gom những gốc rạ khô nhóm lửa và nướng muỗm ăn vừa thơm vừa béo.
Ngày mùa, chị tôi chọn những hạt lúa nếp hoa vàng còn đọng chút sữa để làm cốm. Lúa nếp được vò ra, rang trên chảo rồi giã rồi sàng, sẩy chẳng mấy chốc đã được rổ cốm thơm nồng nàn. Chị lấy lá sen xanh gói lại và đặt lên bàn thờ để mẹ cúng tổ tiên báo cáo một vụ mùa bội thu. Cầm nắm cốm trên tay, chúng tôi đưa từng hạt vào miệng. Sự dẻo thơm nồng nàn như đưa cả hương vị đồng quê cùng sự mặn mòi những giọt mồ hôi của người trồng lúa thấm sâu vào tâm hồn trẻ thơ chúng tôi. Còn bé lắm nhưng chúng tôi đã hiểu được một hạt thóc vàng đổi bằng bao giọt mồ hôi trên vai áo người nông dân.
Ngày mùa, đường làng tôi tràn ngập rơm vàng. Đi từ đầu thôn đến cuối làng, lúc nào cũng thấy thơm nồng hương lúa mới. Từng sợi rơm vàng cứ cuốn lấy bàn chân nhỏ xíu của chúng tôi. Lũ trẻ quê mùa chúng tôi lại có được trò chơi mới mà chỉ vào ngày mùa mới có. Cả bọn chơi trò ú tim bằng những đống rơm cao ngất ngay dưới gốc đa đầu làng rồi dùng rơm vàng cuốn lại thành những căn nhà, hoặc lấy rơm khô cuốn lại làm vật giữ lửa vào những chiều chăn trâu trên đồng, Khói tỏa ra từ những đống rơm bén vào làm mắt chúng tôi cay sè.
Ngày mùa, bà dùng những sợi rơm nếp vàng ỏng ả, phơi khô rồi bện thành những chiếc chổi rơm xinh xắn để quét nhà. Bà còn bện riêng cho tôi một cái nhỏ để mang đến trường vào mỗi lần trực nhật. Bà bảo, các cháu đừng chê hạt lúa, cái rơm quê mình vì nó đã nuôi sống con người từ bao đời nay. Khi ăn cơm, chớ có làm rơi vãi dù chỉ một hạt bởi khó nhọc lắm người nông dân mới làm ra được hạt lúa, hạt gạo.
Ngày mùa năm đói, mẹ buồn và thở dài lặng lẽ. Năm đó, cả làng mất mùa, lúa có xanh tốt nhưng chỉ đứng thẳng để ngóng gió trời chứ không làm hạt. Những hạt lúa lép lơ thơ phe phẩy báo hiệu một vụ cấy thất thu. Chúng tôi ngồi thu mình một chỗ không nhúc nhích vì biết cha mẹ và người dân làng tôi buồn lắm. Lại một năm đói mòn đói mỏi ở quê tôi.
Đi học và công tác xa nhà, vào mỗi vụ gặt, mẹ lại gửi lên cho tôi những bao gạo, trong thư mẹ bảo đây là gạo mới nhà mình mới gặt, ăn vừa thơm vừa dẻo. Cầm bát cơm trắng ngần đưa lên môi, trong tôi như dậy về sự thảo thơm của người mẹ quê và hương vị của cánh đồng làng đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn.
Nguyễn Thế Lượng