Nghịch lý 3G

Cước dịch vụ 3G của ba nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone đã chính thức tăng thêm gần 40% kể từ sáng 16/10, khiến hầu hết khách hàng sử dụng dịch vụ này bất ngờ. Theo mức giá mới, cước 3G trọn gói của Viettel và Mobifone sẽ tăng từ 50.000/tháng đồng lên 70.000 đồng/tháng. Vinaphone cho biết cũng tăng giá hai gói MAX và MAXS với mức tương ứng là 20.000 đồng và 15.000 đồng. Gói Dcom Laptop của Viettel tăng từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB, block tính cước là 50 KB (tăng 230%). Như vậy, kể từ đầu năm, đây là lần tăng giá thứ 2 cước dịch vụ 3G của các nhà mạng.


Theo giải thích của một số nhà mạng, để tăng cước, họ phải chuẩn bị hệ thống, về truyền thông, thông báo cho khách hàng, cập nhật trên web, nghĩa là phải có thời gian chuẩn bị nhất định… Các nhà mạng cũng lý giải rằng, việc tăng cước 3G không phải do sức ép của dịch vụ này đang bị lỗ, mà đơn thuần là tăng giá cước đang ở mức dưới giá thành; rằng trong giai đoạn đầu phát triển, để kích cầu cho dịch vụ mới, nhiều nhà mạng đã giảm giá cước dưới mức giá thành...


Có một nghịch lý trên thị trường dịch vụ di động Việt Nam là khi khách hàng chưa thật hài lòng về chất lượng dịch vụ thì nhà mạng đã đùng đùng tăng giá cước. Hay nói cách khác, chất lượng chưa tương xứng với giá tiền mà họ phải trả? Hầu hết khách hàng đều cho rằng, nếu tăng cước các mạng phải cam kết đảm bảo dịch vụ, bởi hiện nay mạng 3G ở Việt Nam vẫn chưa thật sự tốt như mong đợi của người tiêu dùng. Các nhà mạng cũng cần công bố lộ trình tăng giá một cách công khai để người sử dụng biết. Với số lượng thuê bao 3G ở Việt Nam phát triển nhanh như hiện nay, rõ ràng việc tăng cước 3G có tác động khá lớn đến người tiêu dùng. Hơn nữa, không nên chỉ so sánh giá cước của Việt Nam với các nước khác, thấy thấp hơn thì cứ tăng trong khi chất lượng dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người… thì không được các nhà mạng đề cập đến. Không thể cứ viện ra lý do này, lý do kia để tăng giá. Đó là điều mà cơ quan quản lý cũng như các nhà mạng cần tính đến, để có một lộ trình và mức giá tăng phù hợp, không gây thiệt hại cho người sử dụng và không gây xáo trộn thị trường.


Một vấn đề khác được dư luận quan tâm, đó là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá cước viễn thông. Nếu nói rằng việc tăng giá cước 3G của ba nhà mạng lớn đều phải có sự cho phép của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông) trước khi áp dụng, thì dường như cục này đã nhiều lần bỏ qua việc tăng giá cước quá mức cho phép của các nhà mạng.


"Thượng đế" cho rằng, đã đến lúc cần thiết phải có một cơ quan độc lập để kiểm tra tốc độ tăng giá dịch vụ 3G của các nhà mạng, nhất là việc các nhà mạng ấn định cùng một mức giá ở một thời điểm là điều bất thường. Liệu có hành vi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, hoặc có lợi ích nhóm trong việc tăng giá cước 3G?.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN