Anh Huỳnh Huỳnh Ngọc Tuấn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết: Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang có 295 hội viên.
Tàu có công suất 720 CV của anh Võ Hồng Nhân đang được hoàn thiện tại khu đóng tàu thuyền Sa Kỳ. |
Phần lớn hội viên là lao động trên các tàu cá công suất lớn, khai thác dài ngày trên biển. Để vươn khơi bám biển dài ngày, nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang đề ra phương châm hành động: Nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, sáng tạo, liên kết chặt chẽ, làm chủ vùng biển, khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trong năm 2013 vừa qua, ngư dân trong xã đã đầu tư trên 56 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ ngư dân gần 8 tỷ đồng để đóng mới 7 chiếc tàu có công suất lớn, cải hoán hàng chục tàu thuyền, mua sắm thêm ngư lưới cụ và trang thiết bị đi biển hiện đại, đưa tổng số tàu thuyền chuyên hành nghề ở tuyến khơi và tuyến lộng của địa phương lên 370 chiếc với tổng công suất đạt 27.200 CV.
Nhờ vươn khơi bám biển dài ngày, lượng hải sản khai thác được tăng gần gấp đôi so với đánh bắt ở tuyến lộng gần bờ, trong năm 2013, ngư dân Tam Quang khai thác được trên 14.500 tấn hải sản các loại, trong đó lượng hải sản khai thác ở ngư trường xa bờ chiếm trên 60%, thu nhập của người lao động nghề biển được cải thiện rõ rệt. Riêng thu nhập bình quân mỗi lao động trong nghiệp đoàn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2014 này sẽ có thêm 4 chiếc tàu đánh cá có tổng công suất trên 3500 CV của các ngư dân trẻ Tam Quang sẽ tiếp tục hạ thủy, sản lượng hải sản khai thác trong năm 2014 được đề ra cũng vượt trên 2.000 tấn so với năm trước.
Mới hơn 40 tuổi nhưng là người dày dạn kinh nghiệm đi biển, thuyền trưởng Nguyễn Xuân Phong tâm sự: Đối với ngư dân khi hành nghề trên biển, dù tàu thuyền có công suất ngày càng lớn hơn, phương tiện hỗ trợ hiện đại hơn, kinh nghiệm đi biển của ngư dân cũng được tích lũy ngày càng nhều hơn nhưng trước biển cả mênh mông thì chừng ấy điều kiện vẫn chưa đủ. Do vậy sự ra đời của các nghiệp đoàn nghề cá đã tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi. Khi ở trên bờ, có thể lúc nào đó, nơi nào đó, giữa một số ngư dân có mâu thuẫn với nhau nhưng khi đã bước chân xuống thuyền, cùng ăn cùng ở và cùng lao động với nhau dài ngày trên biển thì hầu hết những hiềm khích được ngư dân gửi theo ngọn sóng biển, ngư dân luôn coi mình là con của biển, vì vậy nên phải đoàn kết lại để tạo nên sức mạnh giữa muôn trùng biển khơi. Trước đây khi chưa có nghiệp đoàn, ngư dân khi hành nghề trên biển thường có tâm lý “giấu” ngư trường giàu hải sản chỉ để khai thác một mình, cùng lắm là thông báo cho tàu của người thân đến để cùng khai thác. Còn bây giờ, tuy không có quy định cụ thể nhưng mỗi khi gặp được luồng ngư trường giàu tiềm năng các tàu đều chia xẻ cho nhau để cùng khai thác. Điều này cũng góp phần đáng kể để sản lượng khai thác hải sản của nghiệp đoàn nói riêng và của ngư dân trong xã năm sau luôn cao hơn năm trước, theo đó thu nhập của mỗi lao động cũng được cải thiện đáng kể.
Phương tiện có quy mô ngày càng lớn hơn, thiết bị ngày càng hiện đại hơn là những yếu tố thuận lợi để nghiệp đoàn nghề cá vươn ra khơi xa. Hiện tại các nghiệp đoàn đã bắt đầu lắp đặt đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại như máy bộ đàm máy tầm ngư, máy định vị, máy dò ngang để hành nghề vây rút chì ở tuyến khơi và mô hình lưới rê hỗn hợp trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Các mô hình này đã tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới vào khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến ra khơi.
Theo đó trong cùng thời gian đi biển nhưng sản lượng hải sản khai thác được tăng thêm từ 20 - 25%, thu nhập bình quân của mỗi lao động trong các nghiệp đoàn theo đó cũng tăng đáng kể. Anh Võ Hồng Nhân, một trong những thuyền trưởng kiêm chủ tàu thuộc thế hệ U 40 ở Tam Quang cho biết: Ngoài 2 chiếc tàu có tổng công suất 800 CV đang hành nghề trên biển, hiện tại anh đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để đóng mới thêm một chiếc tàu có công suất 720 CV. Thuyền trưởng kiêm chủ tàu Võ Hồng Nhân tâm sự, hoạt động khai thác hải sản ở ngư trường xa bờ của ngư dân trong thời gian qua có thêm được thuận lợi, đó là ngoài việc được hưởng lợi từ chủ trương hỗ trợ xăng dầu của Chính phủ, ngư dân còn được vay vốn với lãi suất thấp hoặc không tính lãi để đóng mới tàu có công suất lớn và trang thiết bị hiện đại.
Anh Nhân cho biết, ngay cả chiếc tàu trị giá hơn 3 tỷ đồng của anh sắp sửa được hạ thủy, gia đình anh đã đươc vay 1,5 tỷ đồng không tính lãi từ nguồn của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam. Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Võ Hồng Nhân “kết luận”: Muốn khai thác có hiệu quả nguồn hải sản trên biển kết hợp với việc góp phần giữ gìn toàn vẹn chủ quyền quốc gia trên biển thì cần có nhiều giải pháp hỗ trợ lẫn nhau, trong đó việc đầu ư đóng mới tàu có công suất lớn gắn với trang thiết bị đi biển hiện đại là điều kiện không thể thiếu. “Đi biển bây giờ ngư dân chúng tôi không đơn độc bởi trong hành trình vươn khơi xa bám biển làm ăn dài ngày trên biển, ngư dân luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của các lực lượng như Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng. Điều này không những giúp ngư dân yên tâm mà còn tự tin hơn trong quá trình bám biển, góp phần gìn giữ ngư trường truyền thống chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang chỉ là một trong số những nghiệp đoàn nghề cá được thành lập và đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả trong thời gian qua ở tỉnh Quảng Nam. Để tiếp tục tạo điều kiện cho các nghiệp đoàn vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày, trong năm 2014 này, cùng với các nguồn vốn tự huy động trong ngư dân, nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang sẽ tiếp tục làm “cầu nối” cho ngư dân vay vốn không lãi suất từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ ngư dân để có ít nhất có thêm 4 tàu được đóng mới và hơn 10 tàu được cải hoán nâng cao công suất đi vào hoạt động, ông Huỳnh Thế Điểu, Phó Chủ tịch UBND kiêm Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung