Người biểu tình Thái Lan ngăn cản bầu cử

Phe đối lập Thái Lan ngày 23/12 đã tăng cường chiến dịch phá hoại cuộc bầu cử sắp diễn ra ngày 2/2/2014 mà họ tẩy chay bằng cách ngăn cản ứng cử viên các đảng đăng ký tranh cử.

Người biểu tình Thái Lan tụ tập bên ngoài một cổng vào sân vận động.


Hàng ngàn người biểu tình đã tập trung xung quanh sân vận động Thái-Nhật ở thủ đô Bangkok, nơi đại diện các đảng đăng ký tranh cử trước hạn chót ngày 27/12. Lúc 11 giờ, đại diện của 34 đảng đã đến đăng ký. Trong đó, 9 đảng đã tìm cách vào được bên trong sân vận động, 25 đảng đã phải đăng ký tại một đồn cảnh sát gần đó vì họ bị người biểu tình cản trở.


Đại diện đảng Puea Thai của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã vào được bên trong và đăng ký thành công. Theo Puea Thai, họ lường trước được tình hình nên đã vào sân vận động từ 4 giờ sáng, lúc người biểu tình còn đang ngủ. Đảng này cho biết bà Yingluck vẫn là người đứng đầu danh sách ứng cử viên của Puea Thai.


Trước tình hình trên, Ủy ban Bầu cử thông báo có thể gia hạn thời gian đăng ký nếu chưa có đủ ứng cử viên. Cảnh sát đã phải cảnh báo người biểu tình sẽ bị bắt giam và bị phạt nặng nếu cố ý ngăn cản các đảng làm thủ tục.


Ngày trước đó, hàng chục nghìn người biểu tình đã tràn xuống các đường phố ở thủ đô Bangkok đòi Thủ tướng Yingluck từ chức. Họ tuần hành rầm rộ khiến giao thông tắc nghẽn tại nhiều ngã tư lớn. Các hệ thống tàu điện ngầm và trên cao kín đặc người trong ngày 22/12. Một số người biểu tình cũng đã vây quanh khu tư gia của bà Yingluck để yêu cầu bà từ chức.


Trong bài phát biểu tối 22/12, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban thề tiếp tục phát động biểu tình lớn và phong tỏa nhiều địa điểm cho đến khi đạt được mục tiêu. Ông này còn tuyên bố “sẽ đóng cửa cả nước” để không ai có thể đi bầu cử nếu cuộc bầu cử vẫn được tổ chức vào ngày đã định.


Đảng Dân chủ, phe đối lập chính ở Thái Lan, đã quyết định tẩy chay cuộc bầu cử. Trong suốt thập kỷ qua, đảng này chưa bao giờ giành được đủ phiếu để chiếm đa số trong quốc hội.


Trong khi đó, phe “áo đỏ” ủng hộ chính phủ lo ngại rằng phe đối lập đang tổ chức biểu tình để đẩy Thái Lan vào thế bế tắc và lôi kéo quân đội đảo chính trước bầu cử.


Tình trạng bế tắc chính trị tại Thái Lan đang khiến cho nền kinh tế nước này phải chịu hậu quả. Nhiều chuyên gia đã bắt đầu bày tỏ lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng này đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của Thái Lan.


Chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng kể từ khi các cuộc biểu tình bùng phát từ đầu tháng 11 vừa qua, sau khi Hạ viện thông qua một dự luật ân xá gây tranh cãi được cho là mở đường cho Thủ tướng bị phế truất và cũng là anh trai bà là Thaksin Shinawatra về nước. Dự luật này sau đó đã bị Thượng viện bác bỏ.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN