Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có rất nhiều người dân vẫn chủ quan, vô tư ăn cá nóc, dù đã được cảnh báo là loại cá này có độc tố rất nguy hiểm. Vụ ngộ độc cá nóc xảy ra gần đây nhất vào giữa tháng 10 đã làm 2 người chết, 3 người nhập viện cấp cứu, thế nhưng người dân nơi đây vẫn không mấy quan tâm đến sinh mạng của mình…
Cá nóc chưa nhiều độc tố. Nguồn: Internet |
Trong khi số người bị ngộ độc do cá nóc gây ra không nhỏ, người dân ven biển Bình Thuận vẫn đánh bắt cá nóc để ăn và bán. Trong các chợ tại Phan Thiết, không khó khăn để tìm mua cá nóc.
Với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, cá nóc được bán tràn lan như các loài cá khác. Anh Trần Sâm, một ngư dân phường Bình Hưng (Phan Thiết) cho biết: Người dân đi biển ở đây câu được cá nóc thường xuyên, mỗi lần đi có thể câu khoảng 5-10 kg. Ít thì đem về ăn còn nhiều thì đem phơi khô, làm mắm hoặc bán.
Ngư dân tại các xã ven biển Bình Thuận xem cá nóc như là món ăn hàng ngày hay làm đồ nhắm để nhậu sau mỗi chuyến đi biển về. Thậm chí họ bảo rượu uống với cá nóc khô là tuyệt vời. Nhiều người còn dự trữ cá nóc để dùng vào mùa biển động do đi biển khó khăn.
Năm nào tỉnh Bình Thuận cũng có hàng chục người chết hoặc bị bệnh vì ăn cá nóc. Ông Phan Ngọc Hùng, Giám đốc bệnh viện An Phước cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều ca ngộ độc vì ăn món cá chết người này. Gần đây nhất sáng 11/10, có 5 người nhập viện vì ăn cá nóc. Do ngộ độc quá nặng nên 2 người đã tử vong, 3 người còn lại may mắn thoát chết.
Cá nóc tên tiếng Anh là Puffer, có nhiều loài khác nhau. Tại Việt Nam được xác định 66 loài cá nóc, trong đó có khoảng 40 loài có khả năng gây độc tố. Chất độc ở cá nóc tập trung chủ yếu ở phần nội tạng, đặc biệt ở túi mật, trứng, gan, ruột và da. Độc tố cá nóc có tên là Tetrodotoxin, là loại độc tố được đánh giá là mạnh nhất trong tự nhiên.
Độc tố này tác dụng vào hệ thần kinh, gây tê liệt nhanh chóng ở người bị nhiễm. Trong từng loài, tùy vào từng thời điểm mà từng con lại chứa lượng độc tố khác nhau. Điều này cũng giải thích vì sao có người ăn cá nóc thì vô hại nhưng cũng có người lại tử vong.
Theo ông Phan Ngọc Hùng, để phân biệt sự khác nhau giữa loại cá nóc có độc và không độc là rất khó. Cho tới nay, chưa có bất cứ công trình nghiên cứu nào khẳng định các loại cá nóc mà người dân đang sử dụng làm thức ăn là không có độc. Trong khi hiện nay, ngư dân chỉ dựa vào kinh nghiệm đi biển của mình để ăn cá nóc thì chuyện chết người là điều khó tránh khỏi.
Được biết, hàng năm chính quyền các cấp trong tỉnh luôn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân không ăn cá nóc vì nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng, nhiều người coi thường sinh mạng vẫn sử dụng cá nóc trong bữa ăn hàng ngày.
Nguyễn Thanh