Năm nay, huyện Than Uyên, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Tân Uyên tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc rất phong phú và đa dạng về nội dung, thu hút rất đông người dân, du khách gần xa đến tham gia trẩy hội.
Tại huyện Than Uyên, Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc lần thứ VIII diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: triển lãm văn hóa, chợ vùng cao, thi đấu các môn thể thao dân tộc (tó má lẹ, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo), trình diễn trang phục, tổ chức các trò chơi dân gian, thi ẩm thực, lễ hội đường phố, đua thuyền đuôi én… tạo ra không gian văn hóa bổ ích cho người dân và du khách thập phương.
Từ ngày 1/9, bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu) và vùng lân cận ở các bản vùng sâu, vùng xa trên rẻo núi cao vui mừng rủ nhau về trung tâm huyện đón Tết Độc lập. Từ người già đến trẻ nhỏ, khách thập phương, ai cũng vui mừng. Ai cũng diện những bộ quần áo đẹp nhất, cùng hòa vào dòng người vui hội.
Anh Sùng A Cở, dân tộc Mông ở bản Noong Quài, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) đi xe máy 25km đưa vợ con đến trung tâm huyện vui chơi Tết độc lập. Anh Cở chia sẻ: “Hàng năm, cứ đến ngày Tết Độc lập tôi đều sắp xếp công việc đưa gia đình xuống huyện chung vui. Ngoài việc đi chơi, mua sắm quần áo, tôi còn được tham gia các trò chơi dân gian, xem múa hát, gặp gỡ bà con thấy rất vui và ý nghĩa”.
Tại không gian văn hóa Câu lạc bộ đàn Tính, hát Then của ngày hội huyện Than Uyên, du khách quây quần đông đúc để xem những nét văn hóa của dân tộc Thái qua điệu xòe, hát giao duyên, tiếng đàn Tính say đắm lòng người.
Nghệ nhân Lò Văn Sơi ở xã Mương Cang, huyện Than Uyên đang say sưa truyền dạy cho các lớp trẻ người Thái cách đánh đàn Tính và giao lưu văn hóa dân tộc Thái với du khách. Nghệ nhân Lò Văn Sơi cho biết: Tham gia ngày hội văn hóa, Câu lạc bộ đàn Tính, hát Then của huyện trình diễn những bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, nhằm giao lưu văn hóa với các dân tộc khác. Thế hệ con cháu cũng được truyền dạy để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc mình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên (Lai Châu) Trần Quang Chiến, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao huyện Than Uyên năm 2019 cho biết: Ngày hội năm nay ý nghĩa hơn khi tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2/9, đặc biệt là kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh, huyện, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh 15 năm chia tách thành lập tỉnh, chào mừng 67 năm giải phóng huyện Than Uyên. Ngày hội nhằm giới thiệu quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao và giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong huyện.
Nét mới Ngày hội năm nay, huyện đưa thêm một số nội dung chương trình hoạt động như: chợ vùng cao, lễ hội đường phố, đua thuyền đuôi én, trại văn hóa để thêm phần phong phú, đặc sắc, cuốn hút du khách, người dân. Trong phiên chợ vùng cao sẽ có 15 gian hàng của 12 xã, thị trấn, cá nhân, tổ chức với các mặt hàng, sản vật của địa phương như: mật ong, măng ớt, gạo nếp cẩm, ngô, khoai, thảo quả, thịt sấy… Với giải đua thuyển đuôi én lần đầu tiên được tổ chức trên hồ Thị trấn sẽ có 6 đội ở các xã, thị trấn tham gia hứa hẹn kịch tính với những màn thi đấu, tranh tài quyết liệt. Đặc biệt, tại Ngày hội người dân và du khách sẽ được hòa mình vào lễ hội đường phố dọc Quốc lộ 32 từ xã Mường Cang đến sân vận động thị trấn. Lễ hội gồm các đoàn nghệ nhân, diễn viên đại diện cho dân tộc: Thái, Kinh, Mông, Dao, Khơ Mú nhằm tái hiện lại các hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc địa phương.
“Các hoạt động văn nghệ, thể thao diễn ra trong Ngày hội nhằm giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời giúp tăng cường sự hiểu biết, khích lệ tình đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng dân tộc. Qua đó cổ vũ tinh thần thi đua lao động sản xuất, tạo niềm tin của đồng bào trước sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên khẳng định.
Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc huyện Than Uyên năm 2019 diễn ra trong 3 ngày từ 31/8 - 2/9, chiều 1/9 dòng người từ khắp nơi đổ về trung tâm huyện Than Uyên để vui Tết Độc lập mỗi lúc một đông. Những chàng trai vai vác khèn, tay cầm sáo, các cô gái lúng liếng trong trang phục với đường nét hoa văn sặc sỡ. Đây cũng là dịp để các đôi trai gái gặp gỡ, hò hẹn, bén duyên lên chồng vợ; người thân, họ hàng ở xa được tụ họp, chuyện trò, hỏi thăm nhau. Du khách đến vui chơi, giải trí, ai cũng cố gắng tìm cho mình những món quà làm kỷ niệm như: quần áo, đồ trang sức hay sản vật của núi rừng… Hòa quyện với tiếng nói, tiếng cười là âm thanh của tiếng sáo, tiếng khèn gọi bạn vang vọng cả một vùng.