Hàng nghìn hộ dân, chính quyền địa phương trong vùng dự án phấn khởi vì được chia lợi tức từ việc tham gia góp đất, làm công nhân và cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, tạo diện mạo mới nơi vùng đất khó biên cương.
Công nhân cạo thí nghiệm vườn cây đã cho mủ. |
Những ngày đầu năm, khắp núi rừng cây cối đang đâm chồi nảy lộc, trên triền núi hoa đào, hoa mận đua nhau khoe sắc thắm. Trong cái se lạnh của miền sơn cước, chúng tôi không khỏi xốn sang trước sự đổi thay kỳ diệu khi đặt chân đến vùng đất trồng cao su. Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Cơ sở hạ tầng vùng trồng cao su (điện, đường, trường, trạm...) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Người dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định và được chia lợi tức từ việc góp đất trồng cao su. Nhiều núi đồi trước kia cỏ lau mọc um tùm nay đã nhường chỗ cho màu xanh của những dải cao su tươi tốt.
Thăm vùng trồng cao su từ huyện Than Uyên đến huyện biên giới: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè, chúng tôi bắt gặp không khí tươi vui, rộn rã bởi tiếng cười, tiếng nói của công nhân, người dân tham gia chăm sóc, khai thác mủ cao su. Trên khuôn mặt rạng rỡ, háo hức xen lẫn niềm vui hân hoan của những người thợ cạo mủ là sự miệt mài, hăng say lao động nỗ lực khai dòng “vàng trắng”. Những vùng được các công ty cao su đưa vào khai thác, đời sống cán bộ công nhân, người dân đang dần khấm khá, sung túc; vùng cây thời kỳ kiến thiết, sắp cho thu hoạch được vun đắp, hứa hẹn tạo sinh kế cùng nguồn thu bền vững cho người dân địa phương.
Đến huyện Sìn Hồ, nơi mệnh danh thủ phủ trồng cao su của tỉnh với diện tích hơn 8.000 ha, ông Nguyễn Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu cho biết: Cây cao su đã cho mủ, nhiều hơn cả sự kỳ vọng của Tập đoàn giao chỉ tiêu khai thác sản lượng năm 2017. Khi bắt tay vào khai thác mủ, công ty cũng tuyển nhiều người dân tham gia làm công nhân, mức thu nhập của thợ cạo mủ nhờ đó cao hơn, đời sống bớt khó khăn, tạo niềm tin gắn bó với cây cao su. Tết vừa rồi, ngoài những phần quà thưởng cho những “tay cạo” xuất sắc, công ty còn thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, gia đình chính sách.
Hiện nay, Công ty Cổ phần cao su Lai Châu trồng và chăm sóc 6.952 ha cao su, trong đó có 1.432 ha đã khai thác tại huyện Sìn Hồ, Phong Thổ. Năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giao chỉ tiêu khai thác 730 tấn mủ quy khô, công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch về đích trước thời gian với 900 tấn mủ quy khô. Ngoài ra, công ty luôn chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần công nhân, đảm bảo mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng và chế độ chính sách như: Bảo hiểm xã hội, ăn giữa ca, cấp phát bảo hộ lao động.
Chị Lò Thị Hươn, dân tộc Thái, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ làm công nhân Công ty Cổ phần cao su Lai Châu từ lúc cây cao su bắt đầu bén rễ. Nhờ thu nhập tiền lương ổn định hàng tháng, gia đình chị bớt khó khăn. Làm công nhân gần chục năm, có tiền lương, gia đình mua sắm được một số nhu yếu phẩm phục vụ đời sống. Hiện nay, với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, gia đình có nguồn thu đáng kể nhờ đó mua thêm vật dụng sinh hoạt đắt tiền, thực phẩm đầy đủ sung túc hơn. Chị Lò Thị Hươn rất vui và sẽ gắn bó lâu dài với cây cao su.
Với anh Tao Văn Xanh, dân tộc Thái, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng cao hơn hẳn so thu nhập từ trồng lúa. Gia đình vui mừng vì hơn 3 ha đất góp cho công ty trồng cao su sắp được chia lợi tức. Anh Xanh hồ hởi và vui mừng khi làm công nhân từ năm 2010 đến nay và sắp được hưởng lợi thành quả từ góp đất.
Năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho chủ trương Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II thí điểm cạo 67,74 ha cao su trồng năm 2010 và dự kiến năm 2018 là 111,82 ha, việc mở miệng cạo tại các xã dọc sông Nậm Na và nơi thượng nguồn sông Đà đánh dấu bước ngoặt trong việc khai dòng “vàng trắng”, tạo niềm tin người dân với chủ trương phát triển cao su.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II Nguyễn Xuân Phú cho biết: Công ty đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, cấp phát bồi dưỡng độc hại, trích nộp các khoản bảo hiểm, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ và các phương tiện phục vụ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Vừa qua, công ty dành kinh phí để chăm lo Tết cho cán bộ, công nhân bằng những phần quà ý nghĩa, thiết thực nhằm động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, công nhân chuẩn bị bước vào mùa khai thác mủ cao su. Ngoài ra, công ty giải quyết đúng, đủ, kịp thời tiền lương, tiền thưởng và các chế độ chính sách cho người lao động với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Cây cao su đã tạo việc làm, thu nhập ổn định, giúp đồng bào dân tộc vùng khó biên cương xóa đói giảm nghèo bền vững, năm mới 2018, Lai Châu đang dồn sức “mở miệng” cây cao su.