Người Dao hạ sơn để thoát nghèo

Hơn bốn thập niên trước, hưởng ứng chương trình vận động hạ sơn của Chính phủ, hơn 700 đồng bào dân tộc Dao sinh sống tại khu Sáu Khe, xã Trung Sơn, Yên Lập, Phú Thọ đã rời đỉnh Đát Hóp, men theo các dòng suối, xuôi về thành lập xã Nga Hoàng. Dẫu ước mơ về cuộc sống sung túc, thanh bình của bà con hạ sơn đến nay vẫn chưa thực sự trọn vẹn, nhưng những đổi thay tích cực đã ngày càng rõ nét.


Hạ sơn


Cùng gia đình theo đoàn hạ sơn rời Sáu Khe tới khai sơn phá thạch từ năm 1969, Chủ tịch UBND xã Nga Hoàng, Triệu Văn Liên, nhớ rất rõ những ngày tháng cơ cực, thiếu thốn khi còn sống ở lưng chừng Đát Hóp năm xưa, cũng như tình cảm đôn hậu, tương thân, tương ái của chính quyền, người dân xã Hưng Long, Thượng Long giúp đỡ bà con hạ sơn trong những ngày đầu định cư, ổn định cuộc sống đầy gian nan, vất vả.

Nhiều hộ đồng bào Dao ở Nga Hoàng đã biết làm ăn, cho thu nhập cao.


Trước đây, đồng bào Dao Nga Hoàng sống rải rác ven các con suối trên vùng cao Sáu Khe. Tài nguyên rừng lúc đó còn trù phú, đáp ứng tương đối đầy đủ các nhu cầu đời sống sinh hoạt vốn đơn giản của người vùng cao. Từ cây gỗ dựng nhà, ngọn gianh lợp mái che mưa che nắng, đến hạt lúa, bắp ngô, ngọn rau, cá suối, thịt chim thú... cho bữa cơm mỗi ngày, lá thuốc chữa các bệnh cảm mạo thông thường... Cứ đeo dao, vác cuốc chăm chỉ leo núi, luồn rừng là không đến nỗi thiếu đói. Nhưng cuộc sống đâu chỉ đơn thuần có cơm ăn, áo mặc. Ngoài chuyện hàng tháng, nhà nhà đều phải cắt cử người lặn lội xuống núi mua dầu, muối cùng các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống, việc học hành, tiếp xúc với thế giới bên ngoài của trẻ nhỏ, chữa trị bệnh cho người ốm đau cũng là những vấn đề nan giải. Trường lớp không có, trẻ nhỏ lẫm chẫm biết đi đã quen với việc leo dốc, tầm mắt lúc nào cũng bị núi rừng che khuất, ngồi nghe người lớn kể chuyện vùng xuôi mắt tròn xoe ngạc nhiên, lạ lẫm nói gì đến chuyện học hành. Người ốm đau bệnh nặng, uống lá thuốc, mời thầy mo cúng ma không khỏi phần lớn là về với tổ tiên chứ hiếm khi trụ được đến lúc anh em khiêng cáng vượt rừng đưa xuống trạm xá...


Chủ tịch xã Triệu Văn Liên kể: Sống giữa rừng núi khổ cực quá rồi, nhưng khi được vận động “hạ sơn”, đồng bào cũng trăn trở rằng dắt díu nhau xuống đó lạ nước lạ cái, chẳng biết có khá hơn không. “Nhưng đời mình đã vậy, còn lớp trẻ, chẳng lẽ cứ để đời chúng tăm tối mãi trong nghèo nàn, mù chữ? Đắn đo mãi, cuối năm 1969, toàn bộ các gia đình Dao trên Sáu Khe với hơn 700 nhân khẩu đã quyết định hạ sơn xuống khu vực xã Hưng Long sinh sống. Từ nguồn nhân lực này, kết hợp với các hộ dân hạ sơn trước đó và hai khu dân cư đồng bào Mường xã Hưng Long, xã Nga Hoàng chính thức được thành lập”, Chủ tịch xã Triệu Văn Liên nhớ lại. Được hỗ trợ gạo ăn trong 6 tháng với định mức 15 kg/khẩu/tháng, thời gian đầu cuộc sống đã dần đi vào ổn định. Nhưng được ít lâu, do chưa quen với phương thức canh tác mới, năng suất cây lúa, cây khoai trên các vạt ruộng mới vỡ hoang chẳng được bao nhiêu, đồng bào Dao Nga Hoàng bắt đầu lâm vào tình trạng thiếu đói. Bữa ăn thường nhật trở thành gánh nặng, nỗi lo đè nặng trên vai, các gia đình mới ổn định chỗ ở lại tứ tán khắp các vùng trồng sắn chống chọi qua ngày. Được gần chục năm, thiếu đói quá, nhiều gia đình lại thu xếp đồ đạc, ngược núi tìm về núi Đát Hóp. Đến năm 1989, trước tình trạng người dân về lại nơi ở cũ quá nhiều cùng với các hộ dân khác kéo về định cư tại Sáu Khe, xã Nga Hoàng lại phải cử cán bộ chuyên trách lên quản lý đời sống khu dân cư. Đây cũng là xã duy nhất của tỉnh có hai địa bàn dân cư tách biệt nhau tới 20km. Tình trạng này tồn tại mãi đến năm 1996, Nga Hoàng mới chính thức bàn giao khu Sáu Khe cho chính quyền xã Trung Sơn.


Ước mơ còn dang dở


Hạ sơn thành lập xã diễn ra trong quá trình dài, tương đối phức tạp, đã tạo cho Nga Hoàng những nét đặc trưng riêng biệt. Xã có diện tích gần 7 km2, vốn thuộc đất của 2 xã Hưng Long, Thượng Long với 6 khu hành chính, trong đó 2 khu là người dân thuộc xã Hưng Long, 2 khu của đồng bào dân tộc Dao hạ sơn từ những năm 1950 - 1960, 2 khu còn lại của bà con hạ sơn đợt 1969. Trên địa bàn xã hiện có ba dân tộc anh em đang chung sống, trong đó đồng bào Dao chiếm trên 50%, người Kinh chỉ có 3%, còn lại là dân tộc Mường.

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Dao ở Phú Thọ.


Kể từ khi định cư thành lập xã, người dân Nga Hoàng vẫn duy trì truyền thống đoàn kết, sống nương tựa vào nhau. Mang theo ước mơ thoát nghèo từ đỉnh Đát Hóp, sau hơn bốn thập niên, nỗ lực chung tay góp sức vì mục tiêu chung của chính quyền, người dân nơi đây đã phần nào thu được kết quả khả quan. Diện mạo xã đã có những chuyển biến tích cực. Mấy năm trước, Nga Hoàng vẫn là ngõ cụt, theo nghĩa chưa có đường nhựa nối khu trung tâm, hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi thiếu và yếu nghiêm trọng. Giờ dự án đường Hưng Long - Nga Hoàng - Thượng Long do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đầu tư trải nhựa, đã nối liền xã với các vùng phụ cận, ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại còn góp phần tích cực trong việc giao lưu, thông thương hàng hóa của người dân.

 

Đồng bào Dao dời đỉnh Đáp Hóp trải qua nhiều thăng trầm mới có thể an cư lạc nghiệp.

Được thụ hưởng các chương trình đầu tư WB, 135, 229... xã đã cứng hóa được 70% hệ thống kênh mương, chủ động nguồn nước tưới, nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ đó, dù diện tích đất nông nghiệp chỉ có 50 ha trên tổng số hơn 400 hộ toàn xã, nhưng an ninh lương thực của Nga Hoàng vẫn được đảm bảo với bình quân lương thực trên 400 kg/người/năm. Trạm y tế xã được xây dựng khang trang với thiết bị kỹ thuật, cơ số thuốc, đội ngũ thầy thuốc cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trường mầm non và trường ghép tiểu học, THCS (trường ghép duy nhất trên địa bàn huyện) cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày một nhiều. Thời gian gần đây, con em Nga Hoàng không còn được hưởng chế độ cử tuyển, nhưng trung bình mỗi năm vẫn có 4 - 5 học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Tận dụng tốt thế mạnh đất lâm nghiệp, đã có nhiều gia đình đầu tư mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trồng rừng, chăn nuôi, mở xưởng sơ chế gỗ nguyên liệu cho thu nhập khá cao... Nét đẹp truyền thống văn hóa các dân tộc Dao, Mường được chú trọng gìn giữ, phát huy.


So với thời điểm hạ sơn cách đây hơn 40 năm, cuộc sống của người dân Nga Hoàng đã đổi thay rất nhiều, nhưng so với mặt bằng chung, người dân nơi đây vẫn còn nhiều gian nan, thiếu thốn. Chủ tịch xã Triệu Văn Liên minh chứng bằng các con số cụ thể: Thu nhập bình quân của người dân đạt 5,1 triệu đồng/người/năm. Ngành nghề phụ không có, tuyệt đại đa số người dân Nga Hoàng chủ yếu sống dựa vào các sản phẩm nông nghiệp thuần túy. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn ở mức trên 60%. Ngoài 4 km đường nhựa, xã chỉ có chưa đầy 1 km đường bê tông liên thôn, còn lại toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn vẫn là đường đất. Trên địa bàn xã, chưa có trường học nào đạt chuẩn quốc gia. Thế nên, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngoài các tiêu chí về quy hoạch, bưu điện, trạm y tế, hệ thống chính trị... các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thu nhập, cơ cấu kinh tế, lao động với Nga Hoàng đều là các “cửa ải” khó vượt nếu không có sự hỗ trợ đầu tư.


Ước mơ về cuộc sống mới sung túc của đồng bào Dao hạ sơn sau hơn bốn thập niên vẫn còn là chặng đường dài phía trước đòi hỏi nhiều hơn nữa nỗ lực phấn đấu của chính quyền và người dân cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành.


Bài và ảnh: Tuấn Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN