Để nghề vẽ hoa văn trong nhà chùa, ghe ngo… của đồng bào dân tộc Khmer không bị mai một, với niềm đam mê văn hóa truyền thống, nông dân Danh Ton (SN 1960), ở ấp Láng Sen, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) đã tự mày mò học hỏi các bậc tiền nhân rồi bắt tay vào vẽ.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó, chàng trai Danh Ton cũng như nhiều bà con phật tử ở xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống thường vào tu báo hiếu tại chùa Tràm Chẹt. Tại đây, khi nhà chùa sửa sang, xây dựng mới đã mời các tiền nhân vẽ hoa văn, tượng phật trên các bức tường. Mê nét độc đáo của loại hình nghệ thuật này, chàng trai Danh Ton lẽo đẽo đi theo để tìm hiểu. Khi được hỏi có đam mê nghệ thuật vẽ tranh không, anh gật đầu và được chỉ dẫn cách pha màu, tô màu trên nền đã vẽ sẵn.
Danh Ton nhớ lại: “Năm 1980, tôi cùng người anh ruột đến tu tại chùa Tràm Chẹt. Anh tôi biết vẽ chút ít, còn tôi mê lắm nhưng chẳng biết cầm cây cọ thế nào... Sau khi được anh và các thợ vẽ chỉ dẫn, rồi mày mò làm theo. Năm 1984, tôi lập gia đình, chỉ lo làm ăn, không còn nhớ đến nghề vẽ nữa. Một lần, người hàng xóm qua đời mà không ai biết vẽ hoa văn trên quan tài theo truyền thống của đồng bào dân tộc. Thế là tôi nhớ lại ngón nghề năm xưa và kêu chủ nhà mua màu, nước sơn về rồi vẽ. Lần đó, ai cũng khen và động viên, yêu cầu tôi trở lại làm nghề...”.
Danh Ton còn mày mò vẽ tranh trên quạt, trên vỏ dừa khô, trên ghe ngo, trên thân cây bình bát để trưng bày. “Độc nhất vô nhị” có lẽ là chiếc ghe ngo được Danh Ton đẽo bằng thân cây…
Không chỉ vẽ hoa văn, Danh Ton còn truyền nghề lại cho các con để lưu giữ nét độc đáo truyền thống của dân tộc.
Lê Sen