Người La Hủ ở Lai Châu

Theo lời kể của nhiều bậc cao niên dân tộc La Hủ thì người La Hủ có gốc ở Tây Tạng (Trung Quốc), là một dân tộc mạnh, nhưng sau một trận chiến với các dân tộc khác bị thua trận và phải chạy trốn sang đất Việt để cư trú.


Nhưng có một số người như ông Thàng Phí Xè, 63 tuổi ở bản Pa Ủ; bà Ly Phu Xo, 80 tuổi ở bản Mu Chi (xã Pa Ủ) kể rằng, nguồn gốc tổ tiên của dân tộc mình là con vượn. Con vượn từ chỗ đi bằng bốn chân, ăn lông ở lỗ, sống theo bầy đàn, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, hoang dã; trong môi trường tự nhiên, để sinh tồn thì loài vượn đã có sự tiến hóa, thay đổi cho phù hợp, rồi dần đã phát triển thành người.


Tuy nhiên, để loài vượn tinh khôn trở thành người như ngày hôm nay phải trải qua một giai đoạn dài lịch sử của thời đại nguyên thủy. Vì vậy, vật tổ (tô tem) - a bủ, a bỉ (ông cụ, bà cụ) của người La Hủ chính là con vượn (mộ nã). Ngày xưa, người La Hủ tuyệt đối không được săn bắn, ăn thịt con vượn.


Bản Thăm Pa, xã Pa Ủ (huyện Mường Tè) ngày nay.


Theo người La Hủ thì La là hổ, Hủ là sóc, La Hủ nghĩa là mạnh như con hổ, khéo léo và nhanh như con sóc. Khi sang Việt Nam, các hộ gia đình người La Hủ sống trên các mỏm núi cao, khe suối, cách xa trung tâm, giữa các gia đình ở không gần nhau. Họ sống cô lập với bên ngoài, tự cung tự cấp, phương thức canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống khó khăn, bấp bênh nên dân tộc Thái gọi họ bằng tên gọi khinh miệt Trá Quy, vì người Thái cho rằng dân tộc mình là dân tộc lớn, chỉ sau dân tộc Kinh, còn các dân tộc khác thì ở dưới dân tộc mình (Trá: là có ý nghĩa khinh miệt một dân tộc nhỏ, lạc hậu, sống riêng rẽ; Quy: là chỉ dân tộc La Hủ). Vì vậy, dân tộc La Hủ ngày xưa không dám lại gần hay vào bản của dân tộc khác, nếu vào bản các dân tộc khác thì bị khinh miệt và xua đuổi. Chính vì thế mà dân tộc La Hủ thường cư trú ở trong rừng sâu, biệt lập với bên ngoài.


Sự hồn nhiên của những đứa trẻ La Hủ.

Ngày lễ, Tết người La Hủ đốt lửa cùng nhau vui múa xòe.


Sau khi giải phóng, người dân Tây Bắc thực sự thoát khỏi chế độ phong kiến; vào năm 1959 - 1960 thì chính quyền gọi dân tộc La Hủ bằng cái tên Khù Sung. Năm 1980, cán bộ của Ban Dân tộc Trung ương lên khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu và trả lại cho dân tộc này với tên gọi cũ là dân tộc La Hủ. Ngoài ra, dân tộc La Hủ còn được gọi với cái tên tộc Lá Vàng. Đây không phải tên gọi của dân tộc này, mà các dân tộc khác thấy người La Hủ sống du canh du cư, họ chỉ lợp lán sống tạm, khi nguồn thức ăn hết, lá lợp lán chuyển sang màu vàng thì họ lại dỡ bỏ đi nơi khác. Vì vậy mà các dân tộc gọi người La Hủ là dân tộc Lá Vàng.


Người La Hủ cần cù khai hoang làm nương, rẫy.


Năm 1964, cán bộ của Trung ương, của tỉnh, của huyện lên vận động và quy tụ các hộ gia đình dân tộc La Hủ về chọn đất lập bản, ở tập trung, gọi là “4 hóa, 3 không” - 4 hóa: hợp tác hóa, định canh định cư hóa, văn hóa hóa, quân sự hóa; 3 không: không nghe người xấu nói, không di cư, không hút thuốc phiện. Được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, người dân La Hủ ở xã Pa Ủ về sống tập trung như ngày hôm nay. Nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống của bà con dần ổn định, tăng cường khai hoang ruộng, nương, phát triển kinh tế, vươn lên dần thoát nghèo.



Bài và ảnh: Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN