Năm 2013 có thể xem là một năm khốn đốn của nghề nuôi cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ một ngành đem lại nguồn ngoại tệ dồi dào nhờ xuất khẩu, luôn được các ngân hàng “săn đón”, hiện nay người nuôi cá tra khu vực này bị lâm vào cảnh khốn cùng do thua lỗ vì giá cá nguyên liệu quá thấp và thiếu vốn tái sản xuất…
Càng nuôi càng lỗ
Anh Dũng, một người nuôi cá tra ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho biết, hai năm trở lại đây, người nuôi cá tra thật sự khốn đốn, càng nuôi càng lỗ. Toàn bộ gia sản tích lũy được trong những năm trước gần như theo xuống ao vì cá nuôi nhưng không bán được do giá thương lái mua quá thấp. Bán thì lỗ nên nhiều hộ tiếp tục nuôi cầm chừng đợi giá lên, tuy nhiên trong thời gian nuôi cầm chừng thì vẫn phải tốn thức ăn cho cá khiến giá thành càng đội lên cao nên càng lỗ nặng hơn.
Gia đình anh Mai Chi Đê, xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ) được vay ưu đãi 30 triệu đồng để đầu tư nuôi cá tra giống cho thu nhập cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Mức đầu tư trung bình 1 ha diện tích nuôi vào khoảng hơn 7 tỷ đồng, chưa kể chi phí phát sinh khi phải giữ cá lại đợi giá khiến nhiều người nuôi lâm vào cảnh khốn cùng do không còn vốn. Nếu những năm trước đây khi cá tra còn cho lợi nhuận cao, các ngân hàng sẵn sàng cho vay “không cần suy nghĩ” thì hiện nay, các ngân hàng rất ngại cho các hộ, doanh nghiệp nuôi cá tra vì khó thu hồi vốn. Khó khăn cho người nuôi cá tra vì thế càng chất chồng.
Theo các hộ dân nuôi cá tra ở An Giang, ở thời điểm vài năm trước đây, những hộ nuôi cá tra nắm trong tay hàng chục tỷ đồng là chuyện bình thường, nhưng hiện nay “cơ nghiệp đã trôi xuống ao”. Giá thành nuôi cá tra hiện từ khoảng 23.000-24.000 đồng/kg, nhưng trong khi bán cho DN chỉ được 18.000-19.000 đồng/kg, người nuôi cá tra thực sự không thể nào cầm cự được nữa. Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho thấy, hiện có 80% nông dân đã ngưng đầu tư nuôi cá tra, mà nguyên nhân chính là do xuất khẩu khó khăn nên các doanh nghiệp thu mua cá nguyên liệu thấp hơn giá thành.
Khó khăn của người nuôi cá tra hiện nay không chỉ có vậy. Những hộ chấp nhận bán cá với giá lỗ để thu hồi vốn còn gặp phải tình trạng bị chiếm dụng vốn do doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến cũng làm ăn thua lỗ.
Nhiều hộ dân nuôi cá tra ở An Giang cho biết, thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều hạn chế thu mua nên người dân thường bán cho vựa cá tiêu thụ nội địa hay cơ sở làm khô phồng. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, nhiều chủ cở sở không có khả năng trả nợ nên đã bỏ trốn. Những cơ sở chế biến, doanh nghiệp còn sức cầm cự, không bỏ trốn thì cũng tìm mọi cách chiếm dụng tiền bán cá, kéo dài thời gian chi trả bằng cách trả “nhỏ giọt”.
Cần vốn để cứu ngành nuôi cá tra
Người nuôi cá tra đánh giá hiện nay là thời điểm tốt nhất để bán với mức giá trung bình từ 22.500 - 23.000 đồng/kg, tuy nhiên sau thời gian cầm cự và bán đổ bán tháo, nông dân không còn cá để bán. Theo khảo sát của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, sản lượng cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu từ nay đến hết quý I/2014 sẽ tiếp tục giảm khoảng 40-50%, điều này cho thấy nghề nuôi cá tra khó có thể phục hồi trong một sớm một chiều do gặp khó về nguồn vốn, nông dân còn vướng nợ xấu cũ nên cũng không thể vay được vốn mới.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho thấy, cả nước có tới 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, trong đó có 90 doanh nghiệp chào bán cá tra với giá dưới 2 USD/kg. Trong số những doanh nghiệp bán cá giá thấp có đến 90% là doanh nghiệp không có nhà máy chế biến hay vùng nuôi cá. Sự canh tranh này khiến giá cá tra xuất khẩu liên tục giảm.
Thực tế hiện nay cho thấy, ngân hàng dư vốn, lãi suất thấp, doanh nghiệp thì cần vốn, nhưng hai bên lại không gặp nhau. Bà Phạm Thị Hạnh, Trung tâm nghiên cứu BIDV cho biết, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản đang phát sinh nợ xấu tại BIDV và các tổ chức tín dụng, điều này ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của ngân hàng, đồng thời khiến các NHTM quan ngại khi tiếp tục đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Vì vậy, ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, cơ cấu nợ… để hỗ trợ các NHTM trong việc xử lý nợ xấu ngành thủy sản, nông nghiệp, tạo động lực cho các NHTM mạnh dạn cho vay các lĩnh vực rủi ro. Hiệp hội thủy sản và các bên liên quan cũng cần rà soát, quy hoạch nuôi trồng, chế biến thủy sản, phân loại các doanh nghiệp chế biến thủy sản có uy tín, có năng lực sản xuất, kinh doanh xuất khẩu để giúp các tổ chức tín dụng điều chỉnh nguồn vốn, đảm bảo việc phát triển ngành thủy sản có trọng tâm, trọng điểm và hạn chế rủi ro.
L. Hiền