Có thể nói như vậy về ông Hạ Sỹ Lường, ở Khu chợ I, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Cho đến nay, gia đình ông Lường đã có hơn 200 ha rừng trồng. Ông tâm sự: “Trồng rừng được hỗ trợ giống, phân và cả tiền công, tại sao mình không làm?
Những cánh rừng đã đến kỳ khai thác của gia đình ông Lường. |
Đây là chính sách khuyến khích ưu tiên cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước. Trồng rừng không chỉ để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà sản phẩm rừng giúp mình trở thành giàu có. Nhìn những cánh rừng mình trồng từ những năm 2001-2004 phát triển tốt, vui lắm. Mình đam mê với rừng, và “nghiện” trồng rừng”.
Ban đầu, ông Lường trồng rừng theo chương trình quy hoạch vùng gỗ nguyên liệu cho nhà máy giấy. Tuy nhiên, sau này, nhà máy giấy không được xây dựng, nên nhiều gia đình chán nản, không muốn trồng. Bản thân ông vẫn yêu rừng nên hàng năm vẫn trồng khoảng 4-5 ha. Những cánh rừng do ông trồng, nay đã đến tuổi khai thác tỉa, trong đó có 10 ha có thể tận thu để trồng mới. Ông Lường phấn khởi cho biết: “Trong 10 ha rừng đến tuổi khai thác, nếu bán trắng cho người ta tự khai thác cũng thu được gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi không bán mà để mở xưởng chế biến gỗ. Cách làm này vừa nâng giá trị sinh lời từ gỗ rừng và tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mình không có nhiều vốn nên chỉ có cách khai thác rừng trồng trước, để đầu tư trồng tiếp những cánh rừng mới”.
Ngoài 200 ha rừng có tuổi từ 1- 11 năm, năm 2013, gia đình ông sẽ tiếp tục đăng ký trồng mới 200 ha rừng phòng hộ theo dự án 147 và 100 ha rừng nguyên liệu. Năm nay gia đình ông đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để mua, thuê đất của các hộ dân thiếu nhân lực trồng rừng trong xã Bằng Vân và các xã lân cận.
Trồng rừng ở Ngân Sơn không đơn giản, vì khí hậu vùng này lạnh do chịu ảnh hưởng của hai đèo lớn là đèo Gió và đèo Giàng nên chỉ phù hợp với việc trồng cây thông; đường lâm sinh gần như không có nên không có đam mê, không nghị lực không thể trồng được rừng ở đây. Chính vì khó trồng và đường giao thông trắc trở nên người dân ở đây không mặn mà với việc trồng rừng. Ông Lường đã thuê lại đất của những gia đình không muốn làm để mở rộng diện tích rừng. Để thuận lợi cho việc vận chuyển giống, phân lên rừng và sau này có đường cho khai thác gỗ, ông đã đầu tư làm đường đến cả những cánh rừng ở vùng sâu, vùng xa. Để làm được, ông đã đầu tư mua hai ô tô tải và một máy xúc, thuê hàng chục lao động vừa làm đường vừa trồng rừng.
Cái khó nhất của trồng rừng là phát, dọn thực bì. Tuy nhiên, ông Lường có cách làm của mình. Ông cho biết: “Mình trồng nhiều mà phát cây, cỏ trên toàn bộ diện tích thì mất rất nhiều thời gian, công sức. Mình chỉ cần phát đường giáp ranh; cưa, phát thành vùng nhỏ trong cánh rừng cần dọn và phía đỉnh đồi, tùy theo diện tích rừng mà phát rộng hay hẹp. Đặc biệt là đường giáp ranh phải đủ rộng để lửa không bén sang các diện tích khác. Khi cây chặt đã khô, tiến hành đốt thì khu rừng quy hoạch dọn thực bì đều cháy hết. Làm như vậy có thể tiết kiệm được khoảng 1/3 sức lao động so với phát trắng hoàn toàn”.
Năm 2013, toàn huyện Ngân Sơn được UBND tỉnh giao trồng 1.600 ha rừng, thì riêng gia đình ông Lường đã đăng ký trồng 300 ha. Việc này được huyện Ngân Sơn khuyến khích, tỉnh Bắc Kạn ủng hộ. Vùng quy hoạch trồng rừng ông đã làm xong, kể cả việc thuê lao động. Để tiết kiệm chi phí vận chuyển cây giống từ các địa phương khác, ông đã tự tạo vườn ươm và sử dụng khoảng 20 lao động chăm sóc cây giống, vừa giảm chi phí vừa tạo việc làm cho người dân địa phương. Vào thời điểm trồng rừng ông sử dụng khoảng 30 - 40 người. Công lao động, dựa theo công việc để trả, với mức từ 70 đến 120 nghìn đồng/người/ngày.
Ông Nông Thanh Bạch, Chủ tịch UBND xã Bằng Vân cho biết: Ông Hạ Sỹ Lường là thương binh hạng 3/4. Là thương binh nhưng ông Lường không ngại khó, ông đã đi đầu trong việc trồng rừng và trên thực tế ông Lường đã giàu lên từ việc trồng rừng.
Với hơn 200 ha rừng đã được trồng từ những năm trước, theo giá hiện hành, một ha rừng đến tuổi khai thác có thể thu được trên 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, người cựu chiến binh, thương binh Hạ Sỹ Lường vẫn tiếp tục trồng rừng, mang lại màu xanh và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Bài và ảnh: Nguyễn Trình