Nguồn vốn tái canh cà phê giải ngân chậm

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã triển khai gói tín dụng ưu đãi cho tái canh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên là 10.000 tỷ đồng giai đoạn từ tháng 6/2013 đến năm 2016.

 

Thế nhưng, đến nay, chỉ mới 2 Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk và Lâm Đồng đã ký hợp đồng và giải ngân cho vay tái canh cà phê được 252 tỷ đồng, trong đó, Đắk Lắk đã giải ngân được 110 tỷ đồng, còn lại là tỉnh Lâm Đồng.


Gói tín dụng ưu đãi cho vay tái canh cà phê được đánh giá là có nhiều ưu đãi như lãi suất thấp hơn nhiều lần so với lãi suất vay thông thường, được vay 70% trên tổng mức đầu tư, không phải trả nợ gốc trong quá trình cà phê kiến thiết cơ bản (3 năm), thời gian hoàn vốn 7 năm… Thế nhưng, hiện nay, nhiều nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên vẫn chưa mặn mà với gói hỗ trợ này. Một trong những nguyên nhân là do phải qua quá nhiều khâu với các thủ tục rườm rà như phải có xác nhận diện tích cà phê đủ điều kiện tái canh, diện tích cà phê phải nằm trong khu vực quy hoạch tái canh… Theo lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Buôn Hồ, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay tái canh cà phê đã sẵn sàng nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được là do chưa có quy hoạch cụ thể về vùng tái canh cà phê của từng huyện, từng thị xã, từng cơ sở xã, phường, thôn, buôn…


Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các ngành chức năng sớm khẩn trương xây dựng, phê duyệt cụ thể quy hoạch diện tích, lộ trình cho vay tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên hiện nay có trên 561.534 ha cà phê, trong đó có trên 120.000 ha già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh, kém hiệu quả kinh tế, cần tái canh. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích cần tái canh nhiều nhất.

 

Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN