Nguy cơ khủng hoảng tài chính Trung Quốc (Tiếp theo và hết)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC), thể chế nắm giữ quyền điều hành về tài chính, đã duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức cao để buộc các ngân hàng thương mại phải giảm lượng tín dụng cấp cho các nhà đầu cơ. PboC giảm can thiệp vào tín dụng liên ngân hàng và không khuyến khích các quỹ quản lý tham gia cấp tín dụng, đồng thời hạn chế mối liên quan giữa tài chính không chính thức với lĩnh vực bất động sản. Vụ đổ vỡ của China Credit Trust đối với các khoản đầu tư mạo hiểm trong Zhen Fu Energy một phần là do các quỹ quản lý không được phép sử dụng giải pháp bất động sản từ năm 2011.


PboC đã từ chối bơm tiền vào thị trường liên ngân hàng bằng hai lần tăng mạnh lãi suất vào các tháng 6/2013 và 1/2014, và sẽ tiếp tục hạn chế can thiệp vào thị trường liên ngân hàng trong năm nay. Quyết định này cho thấy chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực lành mạnh hóa thị trường tài chính và mạnh tay hơn với hệ thống tài chính không chính thức, trong khi các quỹ quản lý - những thể chế năm 2013 cung cấp 12% số tiền tài trợ cho các doanh nghiệp - phải từ bỏ hệ thống tín dụng xấu để trở lại với hoạt động ban đầu của mình là quản lý cổ phiếu và vốn. Trong khi đó, Bắc Kinh đã bắt đầu tái cơ cấu các ngành công nghiệp với những sản phẩm chất lượng thấp và kém cạnh tranh trên thị trường thế giới.


Thực tế là nguồn thu từ nhiều dự án hạ tầng hay xã hội sẽ không bù đắp được số tiền đầu tư luôn tương đương 50% GDP, một kỷ lục trên thế giới. Toàn bộ chiến lược của chính quyền với sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng cao ở miền trung và miền tây đang nhằm đảo ngược mô hình này và lại hướng về tiêu thụ trong nước, tăng sản lượng và nâng cao chất lượng. Dù có những yếu tố cản trở nhưng quá trình này đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực chiến lược, từ đất hiếm đến thép hay năng lượng, chế tạo xe hơi, vận tải và công nghệ mới. Điều chắc chắn là sẽ không thể ngay lập tức có được bước nhảy vọt về chất lượng mà cần có thời gian, do đó tình trạng lãng phí và sản xuất thừa trong mô hình cũ sẽ còn kéo dài.


Bên cạnh đó, quy mô đầu tư nước ngoài, sức mạnh của thương mại trong nước và dự trữ ngoại hối với gần 4.000 tỷ USD sẽ giúp giới lãnh đạo Trung Quốc có được khả năng triệt tiêu mầm mống của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong ngành ngân hàng, đồng thời vẫn xử lý được tình trạng mất ổn định trên thị trường tài chính trong năm 2014 này như đã bắt đầu được tiến hành vào năm 2013. Trong cuộc chiến đó, không thể có chuyện một số quỹ quản lý không bị tổn thất, nhưng chính phủ trung ương sẽ bảo vệ các quỹ cho chính phủ địa phương vay, khi có khả năng gánh vác một phần các món nợ địa phương.


Sau khi ông Châu Tiểu Xuyên hứa hẹn đưa hệ thống tài chính Trung Quốc vào cạnh tranh với nước ngoài, Ủy ban điều hòa hoạt động tài chính thông báo sẽ cho phép thành lập 3 - 5 ngân hàng tư nhân trong năm 2014 và cũng sẽ giảm ngưỡng tham gia của các ngân hàng nước ngoài, tăng các kênh đầu tư tư nhân trong các ngân hàng và thể chế tài chính Trung Quốc, với mục tiêu là nâng cao tính cạnh tranh và độ tin cậy trong giao dịch của các ngân hàng Trung Quốc.


Tóm lại, tại Trung Quốc, với các ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ và được bảo vệ trước tác động từ bên ngoài, một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn là khó có thể xảy ra hơn so với các nền kinh tế cởi mở hơn và phụ thuộc vào thị trường tài chính. Tuy nhiên, khả năng xoay sở được nói đến ở trên chắc chắn sẽ giảm khi tiềm năng phát triển ở miền trung và miền tây suy giảm và chi phí xã hội để đảm bảo chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế và hòa nhập người di cư, cộng với thách thức tài chính nảy sinh từ quá trình đô thị hóa và nạn ô nhiễm, sẽ tác động mạnh hơn nữa đến sự cân bằng tài chính.

Trần Mạch

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC), thể chế nắm giữ quyền điều hành về tài chính, đã duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức cao để buộc các ngân hàng thương mại phải giảm lượng tín dụng cấp cho các nhà đầu cơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN