Sau hơn 3 năm thực Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại tỉnh Tuyên Quang đã có gần 10.000 hộ nghèo được sống trong những ngôi nhà kiên cố. Những ngôi nhà thấm đậm tình nhân ái đó không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà còn là động lực mạnh mẽ để những hộ nghèo yên tâm tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, vươn lên thoát nghèo.
Cách trung tâm huyện Chiêm Hóa chừng 10 km, Bình Nhân là một trong những xã nghèo của tỉnh Tuyên Quang. Thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, toàn xã có hơn 50 hộ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây nhà, đến nay sau 3 năm đã có 30 hộ thoát nghèo, thậm chí có những hộ đã vươn lên khá giả. Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Nhân cho biết: Quá trình sửa nhà, xây nhà mới cho hộ nghèo, UBND xã đều tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nên chương trình thu hút được sự tham gia của toàn xã hội. Trong đó, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã đóng vai trò xung kích, giúp đỡ nhiều ngày công. Bên cạnh đó, để giúp người nghèo sau khi được xây nhà có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, chính quyền xã đã chủ động hỗ trợ các hộ dân thông qua việc lồng ghép các chương trình, dự án như: Xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ mua máy móc, lợn giống từ Chương trình 135, hỗ trợ giống ngô từ Chương trình 102…
Chị Đào Thị Niên (dân tộc Kinh) ở xã Thượng Âm, huyện Sơn Dương đứng cạnh căn nhà cũ dột nát giờ tận dụng làm kho. |
Đã bước sang năm thứ ba được sống trong “nhà 167”, ông Phí Đình Hoàn, thôn Tân Lập, xã Bình Nhân, cho biết: Được ở nhà mới từ lâu, nhưng năm nay gia đình ông vui hơn nhiều vì nhờ “căn nhà Chính phủ” mà giờ đây gia đình ông không còn nằm trong diện hộ nghèo nữa. Gia đình ông Hoàn có 4 người, nhưng 2 con còn nhỏ đang tuổi đi học, còn ông lại bị bệnh thận nên không làm được gì. Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhiều năm liền gia đình ông đều thuộc diện hộ nghèo nhất của thôn. Năm 2010, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cho vay 8 triệu đồng không lãi suất trong 5 năm, cộng với số tiền vay thêm của họ hàng và được bà con trong thôn giúp đỡ ngày công, đã cất được căn nhà 3 gian vững chắc. "Bây giờ đã thoát nghèo, không còn phải chạy ăn từng bữa như trước nữa. Ngôi nhà 167 chính là động lực cho vợ chồng tôi vươn lên trong cuộc sống", ông Hoàn chia sẻ.
Gia đình ông Triệu Văn Phú (dân tộc Tày) là một trong những hộ nghèo ở thôn Bình Tiến được hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Với 5 khẩu nhưng chỉ có hơn 4 sào ruộng, hơn 2 ha đất đồi trồng keo, sắn… cuộc sống gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, đứa con út bị bệnh phổi nên bao nhiêu tiền của dành dụm được đều phải dồn hết để khám chữa chữa bệnh cho con, khiến cho gia đình ông đã nghèo lại còn nghèo hơn. Được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, chính quyền địa phương, bà con trong thôn, bản giúp đỡ, đầu năm 2012, gia đình ông đã dựng được ngôi nhà gần trị giá 120 triệu đồng. Trong căn nhà còn thơm mùi ngói mới, ông Phú phấn khởi: “Nay đã có nhà, không sợ mưa gió, vợ chồng tôi yên tâm làm ăn, cuối năm nay gia đình tôi cũng xin rút khỏi danh sách hộ nghèo để sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước đến được với hộ nghèo khác”.
Ông Triệu Văn Phú (dân tộc Tày) ở xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa và ngôi nhà 167 mới hoàn thành. |
Ðó chỉ là một vài trường hợp trong số hàng nghìn hộ nghèo ở tỉnh Tuyên Quang được hỗ trợ xây tặng "nhà 167" để ổn định cuộc sống. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng gần 10.000 căn nhà với tổng kinh phí trên 162 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 79 tỷ đồng, vốn của Ngân hàng CSXH trên 77 tỷ đồng và doanh nghiệp hỗ trợ gần 2,7 tỷ đồng, vốn đóng góp của nhân dân gần 1 tỷ đồng.
Nhân dân trong vùng giúp đỡ gia đình anh Trần Văn Thái, ở thôn Xuân Đức, xã Hùng Đức (Hàm Yên, Tuyên Quang) làm nhà theo Chương trình 167. |
Ông Phạm Văn Bóng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tuyên Quang cho biết: Thực hiện Quyết định 167, tỉnh Tuyên Quang đã vận dụng nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người dân tham gia đóng góp xây dựng nhà ở”, nhờ đó đã huy động được sự tham gia ủng hộ, giúp đỡ của toàn xã hội. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng đến tận hộ dân, các tổ chức đoàn thể. Trong quá trình thực hiện, các địa phương thường xuyên theo dõi, rút kinh nghiệm để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời. Nhờ vậy, hàng nghìn hộ nghèo ở Tuyên Quang đã được sống trong những ngôi nhà khang trang, kiên cố với diện tích từ 40 - 50 m2. Ngoài phối hợp với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện giải ngân nguồn vốn vay, các nguồn kinh phí hỗ trợ khác cũng được chính quyền các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả. Sự hỗ trợ này đã trở thành động lực để các hộ nghèo thêm quyết tâm vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Ngoài hỗ trợ nhà ở, trong những năm qua, Tuyên Quang còn có nhiều giải pháp giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, các địa phương trong toàn tỉnh tích cực triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới. Hàng loạt các công trình phúc lợi công cộng, bảo đảm an sinh xã hội như giao thông nông thôn, trường học, điện thắp sáng và nước sạch đang được triển khai. Sau khi hoàn thành các công trình sẽ góp phần thiết thực làm thay đổi diện mạo đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý