Theo dự kiến năm nay, công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) có thể mua được 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng theo các chuyên gia kinh tế con số này có thể tăng gấp đôi. Một tín hiệu tích cực nữa là các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm tới thị trường nợ xấu của Việt Nam.
Nỗ lực của hệ thống ngân hàng
Xác định nợ xấu giống như “cục máu đông” làm tắc nghẽn sự hồi phục của nền kinh tế ngay từ cuối năm 2011, nhưng phải đến giữa năm 2013, một công ty chuyên nghiệp về xử lý nợ xấu VAMC mới được ra đời. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, nguyên nhân chính của sự chậm chạp này là do vướng mắc dùng tiền nào để xử lý nợ xấu. “Thậm chí có ý kiến cho rằng, không giải quyết nợ xấu bằng chiến lược quốc gia mà coi đó là việc của ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN)”, TS Lê Xuân Nghĩa phân tích. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng ta không bỏ mặc NH và DN và chọn con đường không dùng tiền ngân sách. Chính phủ có cách xử lý “nghệ thuật”: Vừa dùng nguồn lực từ các TCTD (vốn tự có và dự phòng rủi ro) và một phần nguồn lực của NHNN để xử lý nợ xấu. Đây là cách nhiều nước trên thế giới đã sử dụng.
Agribank là một trong số các ngân hàng đang nỗ lực giải quyết nợ xấu. Trần Việt - TTXVN |
Theo các chuyên gia ngân hàng, ngay cả khi chưa có VAMC thì bản thân hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực xử lý nợ xấu. Ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (NHNN) cho biết, tốc độ tăng của nợ xấu trong 8 tháng đầu năm đã giảm đáng kể (chỉ bằng 1/3) so với 8 tháng đầu năm 2012. Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, các TCTD đã chủ động xử lý được trên 95.000 tỷ đồng bằng dự phòng rủi ro (trong năm 2012 là trên 69.000 tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2013 là gần 26.000 tỷ đồng).
Thuận lợi và thách thức
Trước đây, có ý kiến lo ngại khi cho rằng, NH sẽ giấu nợ xấu, sợ ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các TCTD đã ngày càng tích cực hơn trong việc bán nợ xấu cho VAMC. Đi vào hoạt động từ ngày 26/7/2013, phải tới ngày 1/10, VAMC mới mua được khoản nợ xấu đầu tiên trị giá 1.723 tỷ đồng của Agribank. Tuy nhiên, đến ngày 16/10, ba NH là: SHB, PG Bank, SCB cũng đã bán nợ xấu cho VAMC với tổng giá trị 791 tỷ đồng, bằng hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt.
NHNN dự kiến, năm nay VAMC sẽ mua được khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, nếu NHNN mạnh dạn tăng tốc xử lý nợ xấu qua VAMC thì thị trường mua bán nợ sẽ tăng trưởng nhanh và số nợ xấu mà VAMC mua được sẽ đạt khoảng 60.000 - 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, NHNN cũng phải tính toán, cân đối để không tác động tới việc kiểm soát lạm phát. Vì khi bán nợ xấu, các TCTD sẽ có trái phiếu đặc biệt vay tái cấp vốn từ NHNN để đưa tín dụng ra nền kinh tế. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, một thuận lợi nữa là nhiều nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm thị trường nợ của Việt Nam, trong đó có cả những tập đoàn hùng mạnh trên thế giới có thể mua tới hàng tỷ USD nợ xấu. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hai quốc gia được các nhà đầu tư quốc tế lựa chọn đầu tư là Phillippines và Việt Nam. Lý do là Chính phủ hai nước đang tìm mọi cách để lấy lại đà tăng trưởng nền kinh tế. “Các nhà đầu tư bao giờ cũng nhìn vào hành vi nếu họ thấy Chính phủ quyết tâm phục hồi nền kinh tế”, ông Nghĩa cho hay.
Song thách thức hiện nay với vấn đề xử lý nợ xấu chính là xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, với khoảng 90.000 - 95.000 tỷ đồng. TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong số nợ đọng xây dựng cơ bản này có rất nhiều khoản có tính chất “bắc cầu”. Có nghĩa là địa phương nợ DN và DN lại nợ NH. Ngoài ra, thủ tục hành chính rườm rà, khuôn khổ pháp lý còn hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhà đất (trong khi tài sản đảm bảo cho các khoản nợ chủ yếu là bất động sản) có thể cản trở việc xử lý nhanh nợ xấu.
Đức Kiên