Trải qua hàng trăm năm sinh sống, đồng bào Tày ở Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã tạo dựng một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú và lưu truyền cho tới ngày nay. Trong đó, nhà sàn của người Tày nơi đây có một vị trí quan trọng, không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần mà còn được xem là đất thiêng trong cuộc sống của họ.
Nằm dưới triền núi trùng điệp và chon von bên suối Nậm Luộng, xã Nghĩa Đô là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào Tày. Nơi đây có những ngôi nhà sàn xinh xắn quây quần, dựa lưng vào sườn núi. Người dân nơi đây không ai biết nhà sàn có từ bao giờ, chỉ biết là khi sinh ra, họ đã thấy nó tồn tại và lớn lên họ biết lấy gỗ làm nhà. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, những ngôi nhà sàn giản dị, mộc mạc đã trở thành nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng.
Nhà sàn của người Tày ở Nghĩa Đô. |
Trong hơn 200 ngôi nhà sàn quần tụ dưới thung lũng, ngôi nhà sàn có tuổi đời gần 50 năm của gia đình ông Ma Văn Nhung ở bản Hón được coi là một trong những ngôi nhà sản cổ nhất của xã. Trải qua bao nhiêu năm, ngôi nhà vẫn giữ nguyên được nét truyền thống, trên cửa ra vào có dán tấm giấy đỏ với ý nghĩa ngăn chặn tà ma, kẻ xấu vào nhà.
Nhà sàn người Tày thường nhìn ra cánh đồng lúa. |
Đồng bào Tày Nghĩa Đô thường đặt bếp lửa trong nhà sàn, ngoài đun nấu thức ăn những ngày đông giá rét, bếp lửa có tác dụng sưởi ấm và trở thành nơi quây quần của cả gia đình sau mỗi bữa cơm. Với những gia đình trưởng họ thì nhà sàn chính là nơi bà con trong dòng tộc gặp gỡ hội họp, tuyên truyền cho mọi người thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng các quy ước cho dòng họ mình.
Nếp nhà sàn truyền thống của người Tày Nghĩa Đô vẫn được lưu giữ. |
Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi, người chuyên nghiên cứu văn hóa dân gian Nghĩa Đô, thì nhà sàn của đồng bào Tày - Nghĩa Đô phần lớn là nhà hai mái, sàn ghép dát hoặc ván gỗ. Việc dựng ngôi nhà sàn cần rất nhiều công phu. Để chuần bị đủ nguyên liệu: Cột, ván, sàn, cọ... người ta phải vào rừng sâu, lên núi cao để kiếm tìm loại gỗ tốt lâu năm. Thời gian lo nguyên liệu có thể vài ba tháng nhưng cũng khi tới cả vài năm. Nhà sàn có diện tích sử dụng rất lớn, chia thành các gian và mỗi gian đều có chức năng riêng: Gian giữa dùng làm bàn thờ, để cầu nguyện ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình an lành, ấm no và hạnh phúc. Còn các gian phụ được dùng để sinh hoạt, để đồ đạc…
Nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày - Nghĩa Đô trước hết thể hiện ở những kiểu nhà. Hiện nay kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày nơi đây có 4 kiểu: Nhà Lều - là loại nhà có kết cấu đơn giản và sơ khai nhất của người Tày; nhà Quan ma là loại nhà sàn thường có 4 gian với đặc điểm cột được chôn sâu xuống đât, được biến thể từ kiểu nhà lều nhằm bảo vệ con người và vật nuôi khỏi thú dữ; nhà Cai tư là kiểu nhà biến thể tiếp của nhà Quan ma với đặc điểm thường có 5 gian (3 gian chính và 2 gian trái), cột nhà được kê bằng đá tảng; nhà Con thong là loại nhà phổ biến nhất hiện nay. Ngôi nhà Con thong có tính năng vượt trội so với các kiểu nhà trước đó là không phải dùng nhiều cột gỗ to mà chỉ dùng 8 cột chính và 16 cột quân, diện tích sử dụng nhà rộng rãi hơn nhà Cai tư rất nhiều. Về kiểu dáng thì nhà Con thong cơ bản vẫn giống như nhà Cai tư, nhưng có thêm một hành lang chạy dọc theo sàn nhà, làm cho ngôi nhà bên cạnh sự vững chãi vẫn có vóc dáng mềm mại, có tính thẩm mỹ cao.
Mái nhà sàn từ bao đời nay là biểu tượng truyền thống của người Tày ở Nghĩa Đô. |
Cầu thang lên nhà sàn làm bằng gỗ và thường có 9 bậc, mỗi bậc tượng trưng cho một vía của người phụ nữ Tày. Khi đón khách quý, chủ nhà phải xuống tận chân cầu thang chào mời khách lên nhà, khi khách lên cầu thang chủ nhà cũng phải đi sau để bảo vệ và hướng dẫn cho khách.
Thiết kế không gian nhà sàn Tày |
Không gian nhà sàn, nơi sinh sống của người Tày ở Nghĩa Đô. |
Nghệ thuật bài trí trong nhà sàn cũng mang nhiều nét đặc trưng riêng của văn hóa Tày - Nghĩa Đô. Nhà sàn người Tày thường đặt 3 bếp: Một bếp đặt ở gian chính giữa ngôi nhà, đây là bếp chính dùng để tiếp khách và là nơi giữ lửa cho tất cả các bếp khác cũng như sưởi ấm cho cả gia đình, Bếp thứ hai được đặt cạnh giường của người già với mục đích giữ ấm trong mùa đông. Bếp cuối cùng dùng để chế biến thức ăn, bếp này thường được dựng ở một gian riêng. Bên cạnh đó, người Tày cũng thờ ma bếp ở ngay góc bếp hoặc cắm ống nhang vào bức vách thẳng khuôn bếp nhưng về vách phía sau gọi là “sỏi lội”.
Phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô với phong tục mời rượu bên chân cầu thang. |
Trong ngôi nhà sàn, từ cách bố trí không gian thờ cúng tổ tiên, nơi tiếp khách, bếp núc cho tới buồng ngủ của mỗi thành viên trong gia đình đều thể hiện rõ phong tục, tập quán, nền nếp của đồng bào Tày. Ông Nguyễn Văn Quay, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Hiện Nghĩa Đô vẫn giữ được những căn nhà sàn truyền thống. Xã đang quy hoạch và phát triển du lịch bản làng nhờ vào văn hóa nhà sàn”.
Từ đời này sang đời khác, ngôi nhà sàn gắn bó với bao thế hệ từ lúc được sinh ra, lớn lên cho đến khi từ biệt cuộc sống để về với tổ tiên. Cho nên, dù cuộc sống giờ đây đã khá hơn, nhân dân có điều kiện xây nhà mới, song nhiều gia đình vẫn giữ lại những nếp nhà sàn như để giữ lại một nét đẹp văn hóa truyền cho thế hệ sau.
Bài và ảnh:N.T.L