Tại Australia, người ta coi việc đảm bảo nhu cầu đi vệ sinh nơi công cộng là điều đương nhiên và hoàn toàn miễn phí. Họ xem chất lượng nhà vệ sinh công cộng là cách để chứng tỏ với thế giới về mức độ đáng sống của đất nước, và nơi rất đáng sống thì phải luôn thừa sự mời gọi.
Kỳ I: Hơn cả sự tiện lợi
Tại Australia vẫn tồn tại những nhà vệ sinh công cộng cũ, nhưng nhìn chung thì không đến nỗi bẩn thỉu, dơ dáy. Đó một phần là do ý thức của người dân, khi mà ngay cả trẻ con cũng được hướng dẫn cách đi vệ sinh và giữ gìn vệ sinh chung từ bậc... mầm non. Điều đáng nói là không ai ở Australia phải trả tiền cho mỗi lần đi “giải quyết nỗi buồn”.
Một nhà vệ sinh hiện đại. |
Tại đây, nhà vệ sinh công cộng nằm dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Người dân đóng thuế để chính quyền quản lý và duy trì hoạt động của các toilet công cộng. Trên thực tế, không phải nước phát triển nào cũng làm được như vậy dù phúc lợi xã hội của họ là không nhỏ. Tôi nghe vài người bạn vừa đi du lịch châu Âu về kể họ mất khá nhiều tiền cho việc đi vệ sinh tại nơi công cộng. Về tới Australia, lại đi vệ sinh công cộng không mất tiền, họ cảm nhận rõ một sự sung sướng.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống, nhà chức trách Australia đang thực hiện một cuộc cải cách về nhà vệ sinh công cộng. Một cuộc thi thiết kế nhà vệ sinh công cộng, sao cho vừa tiện lợi, an toàn, vừa kinh tế, có thẩm mỹ và hợp vệ sinh đã được tổ chức. Nhà chức trách cho rằng chuẩn hóa vấn đề nhà vệ sinh công cộng góp phần đáng kể vào cải thiện chất lượng sống của người dân và hình ảnh đất nước, vì vậy, chúng cần phải được thiết kế một cách nghệ thuật, thiết thực và mời gọi. Nhà vệ sinh cũ sẽ bị dỡ bỏ, nhà vệ sinh mới sẽ đảm bảo từ khâu thông thoáng đến ánh sáng vừa đủ. Riêng tại Sydney, người ta ước tính cứ 400 m lại có một nhà vệ sinh, bên ngoài mỗi nhà vệ sinh lại có hướng dẫn tìm một nhà vệ sinh gần nhất để đề phòng trường hợp nhà vệ sinh đó quá tải thì đã có nơi khác sẵn sàng phục vụ.
Tại các nơi có khuôn viên rộng rãi, Australia có xu hướng thiết kế các nhà vệ sinh công cộng giống như một tòa nhà đơn giản. Chúng thoải mái, tiện lợi, an toàn, hiệu quả cao, dễ tìm và sạch sẽ. Chúng cũng đảm bảo tính kinh tế về nguyên vật liệu, không gian, ngân sách và hạn chế tối đa những tác động tới môi trường. Ở những vùng trung tâm, Australia bố trí nhà vệ sinh công cộng tự động hoàn toàn, từ xả nước đến xả xà phòng rửa tay và được dùng chung cho cả nam và nữ. Người sử dụng nhà vệ sinh sẽ được nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, rồi được nhắc nhở rằng mình có thời gian 10 - 20 phút trước khi cửa tự động mở. Mỗi nhà vệ sinh này trị giá khoảng 340.000 AUD.
Hướng dẫn và chỉ dẫn rất rõ ràng. |
Hiện nhà vệ sinh đắt nhất ở Australia được đặt tại Ga Flinders Street ở Melbourne, bang Victoria. Nó hoàn toàn tự động và được mệnh danh là “hơn cả sự tiện lợi” với chất liệu bên trong được làm bằng sứ, thép chống rỉ, nhưng giá thì cũng “hơn cả sự trông đợi”: 453.400 AUD.
Phân bổ nhiều nhà vệ sinh công cộng như vậy nhưng mỗi dịp hội hè, nhà chức trách Australia thường bố trí thêm nhà vệ sinh di động để phục vụ du khách, tránh để xảy ra tình trạng quá tải và cũng là để đảm bảo quyền lợi tối thiểu này cho mọi du khách. Giấy vệ sinh trong các toilet công cộng luôn được đảm bảo có đủ để phục vụ du khách. Tuy nhiên, giấy thường chỉ có một lớp để tránh lãng phí. Chỉ ở những nhà vệ sinh công cộng cao cấp người ta mới trang bị giấy hai lớp và đặt hoàn toàn lòng tin vào ý thức tiết kiệm của người sử dụng.
(Còn tiếp)
Đỗ Vân