Quan hệ Việt - Hàn 20 năm nhìn lại:

Nhân duyên của những dòng sông

Nói đến Hàn Quốc, người ta thường nhớ đến đất nước có con sông Hàn chảy ngang qua thủ đô Xơun. Cũng như vậy, người ta nhớ đến Hà Nội với một thành phố nằm bên con sông Hồng uốn lượn. Quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có từ nhiều thế kỷ trước song mối quan hệ này chỉ thực sự tăng tốc và nâng tầm sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/12/1992.


Quan hệ chính trị đi trước làm đòn bẩy


Nhìn lại quãng thời gian 20 năm kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao có thể nhận thấy quan hệ hai nước đã phát triển hết sức ngoạn mục, đạt được thành tựu sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đến an ninh quốc phòng…

Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi (ngoài cùng bên phải) và các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh báo chí do hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc và TTXVN phối hợp tổ chức tại Xơun ngày 30/11, nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ảnh: YONHAP/TTXVN


Có được những thành tựu này đầu tiên phải kể đến thành công trong thúc đẩy quan hệ chính trị song phương. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo cấp cao hai nước đã tiến hành các chuyến thăm cấp cao định kỳ, thường xuyên, có tác dụng gây dựng niềm tin, thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Đặc biệt, quyết tâm thúc đẩy và nâng cấp liên tục từ mức “Quan hệ đối tác trong thế kỷ 21” (tháng 8/2001), lên “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” (tháng 10/2004) và tiếp đó là “Đối tác hợp tác chiến lược” (tháng 5/2009) đã tạo nền tảng nâng đỡ cho các lĩnh vực hợp tác khác, đặc biệt là kinh tế - thương mại phát triển. Hiện tại, Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, đứng thứ hai về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đứng thư tư về trao đổi thương mại và thứ ba về hợp tác lao động.


Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Ha Chan Ho: “Ngay từ khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam luôn là cầu nối giữa hai nước trong việc cung cấp các thông tin đa dạng, chính xác, nhanh chóng liên quan đến các hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác giữa chính phủ và nhân dân hai nước. Trên cơ sở đó, với cương vị là Đại sứ nước Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam, tôi hi vọng rằng Quý cơ quan sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò và trách nhiệm của mình và cung cấp nhiều thông tin liên quan đến mọi lĩnh vực giữa hai nước. Ngoài ra, tôi kỳ vọng rằng, Quý cơ quan sẽ thúc đẩy sự hiểu biết sâu rộng giữa nhân dân hai nước không chỉ bằng các tin tức, bài viết mà còn thông qua nhiều hoạt động cụ thể như Triển lãm ảnh Việt Nam – Hàn Quốc kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước được tổ chức vào ngày 14/12/2012 tại Hà Nội”.

Hợp tác kinh tế - đầu tư được xem là điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam – Hàn Quốc. Tính đến giữa năm 2012, Hàn Quốc đã có tổng cộng trên 3.000 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt gần 24 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam phần lớn tập trung cho các ngành công nghiệp chế tạo và phụ trợ, góp phần quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Các dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam được đánh giá là đạt hiệu quả kinh tế, phù hợp với chủ trương ưu tiên đầu tư của chính phủ ta và đảm bảo các khía cạnh xã hội.


Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều đã gia tăng mạnh, liên tục trong nhiều năm và đạt mức 18,5 tỷ USD trong năm 2011. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khi Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Hàn Quốc. Đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp. Đây chính là lợi thế để hai nước mở rộng quan hệ, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 30 tỷ USD trong thời gian tới.


Nền tảng lịch sử - văn hóa tương đồng làm điểm tựa


Người ta vẫn nói rằng Hàn Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa do có yếu tố đồng văn, chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Hai dân tộc đều lấy “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” làm trọng. Điều này giải thích vì sao hai dân tộc có nhiều phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt giống nhau. Nếu ai từng nhìn thấy các trẻ em Hàn Quốc chơi trò trốn tìm hay nhảy ngựa, những trò chơi dân gian gắn với thời thơ ấu của biết bao thế hệ người Việt, hay ăn món kẹo Hàn Quốc giống hệt chè Lam của Việt Nam hẳn sẽ hiểu vì sao dòng chảy văn hóa Hàn lại dễ dàng du nhập và được chấp nhận không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực châu Á.


Yếu tố đồng văn được cho là một trong các nhân tố thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước Việt – Hàn. Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc là cộng đồng nước ngoài lớn thứ 2 ở xứ sở kim chi, chỉ sau Trung Quốc, với gần 40.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn tạo nên mô hình gia đình đa văn hóa Việt – Hàn. Bên cạnh đó, chúng ta còn có khoảng 60.000 lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp tại Hàn Quốc, hàng năm gửi về nước một lượng ngoại tệ khoảng 600 triệu USD. Hợp tác lao động với Hàn Quốc được đánh giá có hiệu quả trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần vào thành công chung của chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.


Cho quan hệ hợp tác song phương cất cánh


Việt Nam và Hàn Quốc đều nằm ở vị trí địa lý chiến lược, cơ cấu nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau, vì thế cơ hội nâng cao hiệu quả hợp tác còn nhiều tiềm năng. Trả lời phỏng vấn TTXVN về triển vọng hợp tác song phương trong thời gian tới, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Ha Chan Ho cho rằng: Nền tảng của mối quan hệ hợp tác hữu nghị là sự giao lưu giữa nhân dân hai nước cũng không ngừng tăng. Ở Hàn Quốc có khoảng 110.000 người Việt Nam đang sinh sống; cộng động người Hàn ở Việt Nam đang ngày càng phát triển với quy mô lên tới hơn 130.000 người. Chính vì vậy, hai nước đang vượt lên trên mối quan hệ bè bạn và trở thành hai quốc gia vô cùng gần gũi. Đại sứ Ha cho rằng, khả năng phát triển mối quan hệ song phương trong tương lai là vô hạn. Trong bối cảnh thời đại của châu Á đang đến gần, Việt Nam, Hàn Quốc - hai quốc gia đóng vai trò chiến lược đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á - có thể trở thành những người bạn thân thiết nhất của nhau để cùng chung sức cho hòa bình và phồn vinh của khu vực.



Khánh Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN