Hằng năm, cứ vào vụ sản xuất miến dong, hệ thống sông, suối ở Bắc Kạn nước lại đen ngòm và bốc lên mùi khó chịu. Bên cạnh đó, lượng chất thải, bã từ củ dong thải ra cũng rất lớn. Việc đảm bảo môi trường nước cũng như xử lý chất thải, bã củ dong để có thể tái sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường, là vấn đề tỉnh Bắc Kạn đang rất quan tâm.
Dong riềng là cây dễ trồng, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của người dân vùng cao, nên những năm gần đây tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh việc mở rộng diện tích và sản xuất, chế biến sản phẩm củ dong riềng. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thoát được nghèo từng bước vươn lên làm giàu. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình sản xuất, chế biến củ dong riềng thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, chế biến củ dong riềng mới chỉ chú trọng vào năng suất, lợi nhuận về kinh tế mà chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường.
Đoàn chuyên môn kiểm tra hệ thống xử lý nước thải từ quá trình sản xuất, chế biến miến dong tại xã Côn Minh, huyện Na Rì. |
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, để sản xuất 1 tấn miến dong cần tới 20 - 30 m3 nước và cùng với đó là rất nhiều các chất thải khác trong quá trình chế biến được thải ra ngoài. Lượng nước và các chất thải trong quá trình chế biến này không được xử lý, mà thường xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe cộng đồng, về lâu dài còn làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm dưới lòng đất, là nguồn nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của con người.
Nhằm giúp các cơ sở chế biến dong riềng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ đó phát triển sản xuất một cách bền vững, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện Môi trường Nông nghiệp - Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đã triển khai dự án xây dựng mô hình xử lý chất thải từ quá trình chế biến tinh bột dong riềng làm thức ăn gia súc và phân bón hữu cơ tại xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn). Mục tiêu của dự án là xây dựng các mô hình xử lý nguồn nước bị ô nhiễm trong quá trình chế biến dong riềng đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; mô hình sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ chất thải của quá trình chế biến tinh bột dong riềng để làm phân bón cho cây trồng và mô hình chế biến và sử dụng bã dong riềng để làm thức ăn bổ sung cho chăn nuôi.
Ông Nông Văn Chính, Chủ nhiệm Hợp tác xã miến dong Côn Minh, huyện Na Rì: Trước đây, việc bảo đảm nước thải ra ruộng, ra suối của các hộ sản xuất miến dong còn khó khăn do chưa được hướng dẫn. Từ khi thực hiện dự án này rất thuận lợi, nước thải ra môi trường của các cơ sở khá trong, theo hướng dẫn là bảo đảm. Hợp tác xã đã xây dựng 3 bể lắng để lắng các chất cặn bã, độc hại, làm cho nước trong sau mới thải ra môi trường, còn bã thải làm phân bón rất tốt cho cây trồng. |
Sau hai năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Dự án đã điều tra hiện trạng sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất dong riềng tại thôn Bản Lài, xã Côn Minh, huyện Na Rì; xây dựng được các chuyên đề, gồm: Tổng quan về các giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh dùng để xử lý làm phân bón hữu cơ vi sinh và dùng làm thức ăn cho chăn nuôi, tổng quan về các giải pháp sử dụng công nghệ sinh hóa dùng để xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất tinh bột dong riềng trong nước và trên thế giới, chuyên đề đánh giá kết quả xử lý bã thải từ quá trình sản xuất tinh bột dong riềng theo hướng thân thiện với môi trường. Đồng thời hoàn thiện các quy trình để các cơ sở sản xuất chế biến dong riềng áp dụng như: Chế biến bã dong riềng làm thức ăn bổ sung cho chăn nuôi; chế biến bã dong riềng làm phân bón hữu cơ vi sinh; xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất dong riềng quy mô nông hộ gia đình.
Đến nay, các mô hình của dự án đã chế biến được 2 tấn thức ăn phục vụ chăn nuôi từ bã dong riềng bằng công nghệ chế phẩm vi sinh và công nghệ ủ chua; xử lý bã dong riềng làm phân bón vi sinh với số lượng 10 tấn phân đã bón thử nghiệm cây lúa nước vụ mùa năm 2012 và vụ xuân năm 2013; xử lý nước thải công suất 90 m3/ngày bảo đảm vệ sinh môi trường khi thải ra tự nhiên. Nhìn chung các mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh, giảm được chi phí đầu tư cho các cơ sở chế biến dong riềng.
Đi đôi với việc xây dựng các mô hình, dự án đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho 150 lượt người dân về tác hại của ô nhiễm môi trường, các bước chế biến bã dong riềng, kỹ thuật xử lý nước thải, xây dựng các bể lọc... Người dân sau khi được tập huấn đã nâng cao nhận thức, đồng thời ứng dụng các công nghệ vào sản xuất và chế biến góp phần tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Ông Lê Văn Thế, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục mở rộng dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong sản xuất và chế biến tinh bột dong riềng, nhằm bảo đảm môi trường và giúp người dân tận dụng được bã củ dong thải ra để làm phân bón và thức ăn chăn nuôi. Đồng thời nhân rộng mô hình xử lý nước, chất thải ra các vùng khác trong tỉnh.
Bài và ảnh: Đức Hiếu