Mở hướng cho cây vừng đen vùng Bảy Núi
Để phát triển diện tích trồng cây vừng đen ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang đã tổ chức lại sản xuất, phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng diện tích, thay đổi giống mới, tập huấn kỹ thuật canh tác hiện đại.
Chuyển đất lúa không hiệu quả sang trồng dưa hấu cho năng suất cao. Ảnh: CTV |
Vừng đen là cây màu chủ lực, chiến lược cùng với cây thanh long, lạc, đậu đỗ của vùng Bảy Núi, An Giang. Hiện nay đồng bào dân tộc Khmer canh tác 1 vụ vừng/năm, chủ yếu tranh thủ đất ruộng trên nhờ vào “nước trời”, cho năng suất cao. Vụ đông xuân 2012 - 2013, toàn vùng Bảy Núi đã xuống giống trên 600 ha vừng đen, trong đó huyện Tri Tôn có 500 ha, năng suất 1 tấn/ha, bán được giá cao nhất từ trước đến nay là 40.000 đồng/kg, trừ chi phí nông dân lãi 22 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng so với năm 2012.
Huyện Tri Tôn cũng đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai dự án mở rộng diện tích trồng vừng cho đất ruộng trên và đất đồng bằng (ruộng dưới) cho vùng Bảy Núi, bởi hiện nay đất ruộng canh tác chủ yếu sử dụng “nước trời” nên còn nhiều bất cập. Đây là vùng đất bạc màu, nhiễm phèn, mưa gió bất thường nên nguồn nước cho cây phát triển không ổn định, đất pha cát nghèo dinh dưỡng, thiếu giống tốt, sâu bệnh nhiều. Huyện phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tập huấn, hướng dẫn nông dân về "Kỹ thuật canh tác vừng đen vùng đất ruộng trên" thay đổi giống địa phương bằng giống mới ADB1 và NA 2, có hạt to, năng suất 1,2 - 1,5 tấn/ha, thời gian sinh trưởng ngắn từ 70 - 75 ngày, có hàm lượng dầu đạt 48,78%... Vụ hè thu 2013, huyện trồng thử nghiệm 200 ha cây vừng đen ở khu vực ruộng dưới có hệ thống tiêu úng an toàn để kịp thời bơm rút nước, đảm bảo cho cây tăng trưởng tốt.
Trồng dưa hấu cho hiệu quả cao
Hiện nay, nhiều hộ đồng bào các dân tộc ở các xã vùng sâu của các huyện Lắk, Cư Kuin (Đắk Lắk) đã chuyển ruộng lúa vụ đông xuân bấp bênh (do thiếu nguồn nước) sang trồng dưa hấu cho hiệu quả kinh tế khá cao, thu nhập tăng hơn 5 lần trở lên so với trồng lúa.
Anh Trần Tấn Tiến ở thôn 3, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) có 1 ha lúa nước. Trong nhiều năm qua, anh đầu tư thâm canh cây lúa nước hai vụ (đông xuân và hè thu) nhưng do không chủ động được nguồn nước nên năng suất thấp, có năm được năm mất. Hai năm trở lại đây, cứ đến vụ đông xuân (có khó khăn về nước tưới), anh Tiến chuyển sang trồng dưa hấu và thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh nên bình quân đạt 4 tấn dưa/ha. Theo anh Trần Tấn Tiến, trồng dưa hấu trong thời gian chỉ 60 - 70 ngày, đã cho thu hoạch, với thời giá như hiện nay 9.500 - 10.000 đồng/kg, mỗi vụ tổng thu nhập gần 400 triệu đồng.
Gia đình chị Huỳnh Thị Tâm, cũng ở thôn 3, thị trấn Liên Sơn, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của anh Trần Tấn Tiến đã chuyển diện tích lúa ở cuối nguồn nước sang trồng dưa hấu, thu nhập được trên 40 triệu đồng. Chị cho biết, trước đây trồng lúa, cứ đến vụ đông xuân, nếu mưa thuận gió hòa, chủ động được nguồn nước thì cũng chỉ thu được 3 - 4 tạ thóc, còn nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới thì mất trắng, gia đình lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Thế nhưng, từ ngày chuyển sang trồng dưa hấu, gia đình đã có của ăn của để...
Không chỉ ở thị trấn Liên Sơn mà hiện nay, hàng chục hộ ở xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) cũng chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu. Vụ đông xuân 2012 - 2013, chị Nguyễn Thị Hoa, ở thôn 4, xã Hòa Hiệp đã chuyển 3 sào ruộng sang trồng dưa hấu, cho thu nhập trên 60 triệu đồng. Chị Hoa hồ hởi cho biết, với thời giá như hiện nay, trồng dưa hấu có thu nhập cao hơn trồng lúa từ 5 lần trở lên.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cũng đang tạo điều kiện cho nông dân chuyển diện tích ruộng lúa không chủ động được nguồn nước sang trồng các loại cây rau màu khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tránh thiệt hại cho người sản xuất. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 35.000 ha cây trồng các loại bị khô hạn, thiếu nước tưới, chết khô, trong đó có 25.000 ha cà phê, 8.000 ha lúa vụ đông xuân...
Thu Trang - Quang Huy