Sơ Ró là một trong những xã vùng 3 cách trung tâm huyện lỵ Konchoro hơn 30km, dân số hơn 700 hộ, gần 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Bahnar. Theo tập tục, phụ nữ Bahnar là trụ cột trong gia đình, nhưng do trình độ dân trí thấp, phần lớn chị em chưa biết cách làm ăn nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các buôn làng khá cao, hàng năm có không ít hộ thiếu ăn đến vài ba tháng.
Năm 2015, Hội Phụ nữ xã Sơ Ró bàn cách gây dựng quỹ Hội để giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, giúp chị em nâng cao nhận thức trong việc làm chủ gia đình. Mô hình "đóng góp ngày công lao động" ra đời và đã phát huy hiệu quả thiết thực. Chi hội trưởng ở các buôn làng có trách nhiệm liên hệ với những hộ có nhiều quỹ đất nhưng thiếu lao động để phát triển sản xuất, rồi phân cho từng tổ phụ nữ bố trí lao động nhận việc đi làm công. Số tiền thu được từ đóng góp công lao động, chị em trích một phần để góp quỹ, còn lại chị em dùng trang trải cuộc sống gia đình.
Sau 2 năm triển khai mô hình, quỹ có hơn 120 triệu đồng... Với số tiền quỹ gây dựng được, Hội Phụ nữ xã ủng hộ cho các phong trào "Mái ấm tình thương", "Giúp đỡ chị em nghèo mua giống cây - giống con để phát triển sản xuất"... Hội còn tổ chức họp bình xét cho những cặp vợ chồng tích cực tham gia gây dựng quỹ Hội được tham quan một số nơi trong tỉnh nhằm khuyến khích chị em có tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.
Từ mô hình "Đóng góp ngày công lao động", Hội Phụ nữ xã Sơ Ró đã "nâng cấp" lên một bước, gây quỹ Hội bằng hình thức "làm rẫy tập thể". Hội Phụ nữ xã đã liên hệ với các gia đình có đất hoang hóa và thuê lại để bố trí cho chị em canh tác tập thể, đồng thời phối hợp với các tổ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, bố trí các loại cây trồng phù hợp. Gần chục hecta đất được các tổ phụ nữ các buôn làng thuê để canh tác, nơi trồng sắn, nơi trồng đậu đỗ các loại... Phụ nữ ở làng Bya đã mạnh dạn dùng quỹ mua lại 1ha đất hoang hóa của bà con để làm rẫy trồng sắn, vụ đầu sản xuất đã thu cho quỹ hàng chục triệu đồng.
Bà Phan Thị Tố Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết, trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn đất hoang hóa, nhiều lao động nhàn rỗi do chưa biết cung cách làm ăn mới. Do vậy, mô hình gây quỹ bằng hình thức "Đóng góp ngày công lao động", "Làm rẫy tập thể" là rất cần thiết, bởi tính hiệu quả của các mô hình này rất cao. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương lấy Sơ Ró làm mô hình điểm trong việc gây quỹ để triển khai ra diện rộng.